1. Cam hấp
Cam rất giàu vitamin C, giúp điều trị các bệnh về phổi và bồi bổ khí huyết. Vì vậy, khi được hấp chín cam càng có tác dụng hơn trong việc làm lành các tổn thương phế phủ, điều trị chứng ho do khô phổi gây ra.
Để làm cam hấp, chúng ta chỉ cần rửa sạch cắt phần đầu quả, tạo thành hình miệng chén, để lộ ra phần thịt quả bên trong, rắc chút muối lên phần cùi và chọc vài lỗ lên quả cam rồi đậy "nắp cam" lại và đem hấp trong khoảng 10 phút là được.
2. Táo tàu hấp
Táo tàu là vị thuốc ông y thường xuất hiện trong các bài thuốc chữa bệnh để làm giảm vị đắng của thuốc, bồi bổ tỳ vị, dưỡng huyết an thần tốt. Hiện nay, táo tàu càng phổ biến hơn với công dụng bổ huyết, dưỡng da, giảm căng thẳng thần kinh, tăng cường sức khỏe tim mạch. Loại quả này cũng được xem là thực phẩm giúp duy trì nét xuân, kéo dài tuổi thọ.
Dù vậy ăn táo tàu có thể khiến người có tỳ vị hư yếu bị đầy bụng do lớp vỏ cứng của chúng. Do đó, táo tàu được khuyến khích nên nấu chín để vừa dễ tiêu hóa, vừa làm tăng tác dụng của chúng khi kết hợp cùng các thực phẩm khác.
Theo các chuyên gia về Đông y, táo tàu có thể dúng để chế biến thành nhiều thức uống thơm ngon, bổ dưỡng. Chúng ta có thể dùng táo tàu để pha trà hoa quả uống, vừa có vị ngọt tự nhiên thay đường, vừa dưỡng da, thải độc tốt. Táo tàu cũng có thể dùng để nấu cháo, canh, chè sen hay đơn giản là hấp chín trong 20 phút đều là những món ăn ngon và bổ dưỡng.
3. Chuối hấp
Chuối chín có vị ngọt, tính lạnh, có thể thanh nhiệt và dưỡng ẩm cho đường ruột, thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa, hỗ trợ phụ nữ bị động thai do nhiệt. Ăn chuối sau khi hấp không chỉ ngon mà còn thích hợp với những người có thể trạng yếu, hay bị lạnh. Đặc biệt, dùng chuối hột hầm đường phèn có tác dụng chữa ho mãn tính.
Cách làm chuối hấp cũn cực kỳ đơn giản. Bạn cắt chuối thành từng miếng vừa ăn, cho vào tô hấp cách thủy đến khi chín. Có thể hấp chung với đường phèn với các loại trái cây khác. Nếu dùng chuối hột, nhớ ngâm nước khoảng 15 phút trước khi hấp.
4. Quả lê hấp
Quả lê có chứa các thành phần như canxi, phốt pho, chất xơ, các axit amin, vitamin, chất chống oxy hóa nên có công dụng tăng cường sức khỏe, nâng cao miễn dịch, cải thiện chức năng hệ hô hấp.
Theo Đông y, quả lê này có vị ngọt thanh, hơi chua nhẹ, tính mát, tác dụng nhuận phế, thanh nhiệt, giảm ho, sinh tân dịch, tiêu độc và tiêu đờm.
Do đó, trong y học cổ truyền của các nước châu Á, quả lê thường được dùng để chữa các chứng bệnh liên quan đến phổi như ho khan, ho gió và ho có đờm. Lê có tính mát nên đem đến tác dụng tiêu đờm, sinh tân dịch, cả thiện tình trạng đau rát cổ họng, giảm khát…
Chất lignin trong hạt lê vốn là một loại chất xơ không hòa tan, nhưng ăn lê khi được nấu chín, chất lignin này sẽ được phân giải trong đường ruột, giúp cơ thể bài tiết cholesterol xấu.