Theo Infonet, Theo Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội): Rau càng cua mọc dại, có rất nhiều tên gọi khác nhau theo vùng miền như rau tiêu, đơn buốt, quỷ châm thảo, thích châm thảo, cương hoa thảo hay rau đơn kim.
Trước đây, rau mọc ở các vùng đất ẩm, góc vườn, khe đá, những khe tường mốc, ẩm. Người dân thu dọn như cỏ dại, không có người ăn, vì rau có mùi vị lạ.
Ngày nay, rau càng cua trở thành món nhiều người mê, giá thành khá cao. Người dân có thể dùng rau càng cua trộn salad, gỏi, nấu canh hoặc có thể ép trực tiếp lấy nước uống.
Rau càng cua dùng làm salad
Trong Đông y, rau càng cua có tính hàn, vị chua cay giúp bổ âm, dưỡng huyết, tiêu độc thanh nhiệt, thông ứ, chỉ thống, lợi cả về đại lẫn tiểu tiện. Ngày này, chúng ta có thể sử dụng rau càng cua khi có các biểu hiện nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm gan, viêm dạ dày, viêm ruột.
Trong y học hiện đại, các nhà khoa học phát hiện càng cua rất giàu kali. Cụ thể, 100g rau càng cua chứa tới 277mg kali, 224mg canxi, 62mg magie, 5,2mg vitamin C. Ngoài ra, loại rau này còn chứa nhiều nước và các khoáng chất vitamin, carotenoid.
Rau càng cua còn chứa Peperomin E có tác dụng ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư. Bổ sung rau càng cua vào bữa ăn hằng ngày cũng là cách hữu hiệu để ức chế tác hại xấu của các gốc tự do trong cơ thể.
Rau càng cua
Ăn rau càng cua giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, xơ vữa động mạnh nhờ hàm lượng chất xơ cao. Các khoáng chất như kali, magie tốt cho kiểm soát chỉ số huyết áp, giảm mỡ máu, giảm chỉ số đường huyết, ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tim mạch.
Rau càng cua còn tốt cho sự phát triển của xương, được dùng trị bệnh loãng xương ở người lớn và chống bệnh còi xương ở trẻ nhỏ. Càng cua còn chứa hợp chất beta - carotene (tiền vitamin A) tốt cho thị lực.
Lưu ý, rau càng cua lợi tiểu, chứa nhiều nước, bạn không nên ăn nhiều vào buổi tối. Người bị dị ứng, hen suyễn và có tiền sử hen suyễn nên tránh không ăn. Người có cơ thể hàn, chân tay lạnh cần thận trọng khi sử dụng loại rau này.