5 dấu hiệu cho thấy trẻ có EQ cao, là niềm tự hào của cha mẹ

( PHUNUTODAY ) - EQ là chỉ số đo lường trí tuệ về cảm xúc của con người và là yếu tố quyết định hành vi của người đó. Những đứa trẻ có EQ cao thường có những điểm chung này.

Trẻ có thể giữ bình tĩnh

Ngay cả người lớn cũng có lúc gặp khó khăn trong việc xoa dịu bản thân mỗi khi căng thẳng, bực bội. Trẻ có trí tuệ cảm xúc cao sẽ điều chỉnh cảm xúc của mình theo những cách rất riêng như hít thở sâu, bỏ đi khi bị kích động hoặc nói “tôi cần nghỉ ngơi” thay vì la hét, tức giận.

Trẻ có EQ cao thường ít phản ứng bốc đồng hơn bạn cùng lứa tuổi. Chúng có thể nhận ra những cảm xúc của bản thân và hiểu mình nên cư xử thế nào.

Sử dụng ngôn ngữ của riêng mình để bày tỏ cảm xúc

Trẻ có EQ cao thường giỏi trong việc nhận biết và bày tỏ cảm xúc của mình bằng lời nói. Theo nghiên cứu, chúng giỏi làm chủ bản thân vì hiểu mình đang cảm thấy thế nào và nên bày tỏ ra sao. Trẻ càng lựa chọn từ ngữ cụ thể càng chứng tỏ trẻ có cái nhìn sâu sắc về chính bản thân mình và biết cách xử lý điều đó.

Vậy nên trẻ có chỉ số EQ cao sẽ biết cách quản lý cảm xúc tốt, giảm thiểu tỉ lệ trầm cảm, tự tử,…

Trẻ thường tâm sự với cha mẹ

Để có EQ cao trẻ cần biết cách thể hiện cảm xúc và sử dụng chúng để tạo kết nối với người khác. Vì vậy, những đứa trẻ có EQ cao cũng thường tâm sự với cha mẹ.

Với tư cách là cha mẹ bạn cũng nên khuyến khích con cái bày tỏ khi chúng cảm thấy tồi tệ. Đồng thời, cha mẹ nên thường xuyên kết nối với trẻ để con có thể cởi mở, hỗ trợ trẻ giải quyết vấn đề và đối phó với những thay đổi trong cảm xúc của mình.

Trẻ dễ dàng nhận ra cảm xúc của người khác

Những đứa trẻ có chỉ số EQ cao thường cảm nhận chính xác cảm giác của người khác. Nếu muốn đồng cảm với ai đó, bạn cần phải đọc được cảm xúc của họ. Chẳng hạn, khi trẻ nhìn thấy một người đang cười, trẻ sẽ biết người đó đang hạnh phúc. Hoặc khi thấy một người đang khóc trẻ biết họ đang buồn và cần được giúp đỡ.

Trẻ thể hiện lòng biết ơn

Những đứa trẻ có EQ cao thường biết cách thể hiện lòng biết ơn những gì chúng đang có. Trẻ sẽ không nói lời cảm ơn theo phản xạ vì tính lịch sự mà hiểu tại sao bản thân làm như vậy.

Theo:  xevathethao.vn copy link