Chỉ với 3 câu nói này, cha mẹ giúp con tự tin, phát triển cả về IQ lẫn EQ

( PHUNUTODAY ) - Những lời cha mẹ nói với con hàng ngày có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của trẻ. Muốn con phát triển cả IQ lẫn EQ cha mẹ hãy nói với con 3 câu này.

“Cha mẹ ghi nhận sự nỗ lực của con, con đã rất cố gắng rồi”

Mặc dù câu nói này rất đơn giản nhưng nhiều phụ huynh lại vô tình quên đi. Trong quá trình trưởng thành của trẻ, nếu được cha mẹ ủng hộ, công nhận thì sẽ đặt nền móng tiên quyết cho sự tự tin, mạnh dạn của trẻ sau này. Nếu trẻ tự tin, chúng sẽ dũng dảm đương đầu với thử thách. Qua đó, trẻ tìm thấy nhiều cơ hội để hoàn thiện và phát triển nhiều kỹ năng như khả năng giải quyết vấn đề, khả năng thấu hiểu cảm xúc và những kỹ năng giao tiếp quan trọng khác.

Vậy nên cha mẹ hãy lưu tâm chú ý, đồng thời hãy khen ngợi, công nhận và tin tưởng con, bởi bạn không biết được rằng một câu nói của mình thực sự ảnh hưởng lớn thế nào tới tương lai của một đứa trẻ. Nó thậm chí có thể thay đổi cả một con người.

Điều này từng được minh chứng qua câu chuyện của nhà phát minh lỗi lạc Thomas Edison, ông từng bị nhà trường đuổi học và đánh giá là một đứa trẻ thiểu năng trí tuệ. Trong bức thư nhà trường gửi về cho mẹ của Thomas Edison có viết:

"Con bà là một đứa trẻ thiểu năng trí tuệ, chúng tôi không thể để nó đến trường. Nó bị đuổi học từ hôm nay".

Tuy nhiên, mẹ của ông đã thay đổi toàn bộ nội dung bức thư thành một lời động viên, công nhận con trai mình là "một thiên tài" và tự mình dạy dỗ con trai kể từ đó. Sau nhiều năm, Thomas Edison mới biết được sự thật này, ông từng ghi trong nhật ký rằng: "Thomas Edison là một đứa trẻ đần độn, nhờ người mẹ anh hùng mà trở thành thiên tài của thế kỷ".

“Nhận sai không hề mất mặt, tủi thân bật khóc là chuyện thường tình”

Nhiều đứa trẻ vẫn sợ bị cha mẹ phạt khi mắc lỗi, cảm thấy mất mặt khi nhận sai. Lại có những đứa đứa trẻ vì không muốn cha mẹ biết lỗi sai của mình mà tìm cách nói dối, che đậy. Những hành động này tiềm ẩn nhiều rủi ro to lớn, thậm chí nhiều trường hợp xấu còn có thể ảnh hưởng tới cả an toàn tính mạng của trẻ.

Vậy nên, cha mẹ hãy cho con biết rằng người lớn cũng có lúc mắc sai lầm nên trẻ con mắc lỗi là chuyện bình thường. Cha mẹ cũng cần dạy cho trẻ hiểu rằng nhận sai không đáng sợ hay mất mặt như chúng nghĩ. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần cho con hiểu rằng lời xin lỗi có giá trị rất lớn. Người dám nói ra 2 từ này là những người thực sự dũng cảm khi dám đối mặt với lỗi sai của mình.

Ngoài ra, việc để con "tự do" bày tỏ cảm xúc của mình cũng là vấn đề vô cùng quan trọng. Có không ít các bậc phụ huynh trong quá trình giao tiếp với con vô tình có những lời nói như "lớn rồi không được khóc", "có mỗi vậy mà tủi thân cái gì"... những câu nói tưởng chừng chỉ là lời mắng trong một phút nóng giận nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều tới tâm lý của trẻ.

Hãy cho con thấy rằng, cảm xúc của con được cha mẹ tôn trọng, con tủi thân hay có bất kỳ vấn đề gì đều có thể dùng nước mắt để biểu đạt, sau đó cha mẹ sẽ lắng nghe câu chuyện của con.

Khi con chia sẻ và được lắng nghe, con sẽ học được cách tôn trọng ngược lại cảm xúc cũng như lời nói của cha mẹ. Nhờ đó mà con tăng khả năng giải quyết vấn đề, khả năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác và sự thấu hiểu cảm xúc cao, những điều này hỗ trợ rất tốt về mặt phát triển EQ của trẻ.

“Cha mẹ yêu con, cha mẹ tin rằng con có thể làm tốt hơn nữa”

Thay vì trở thành người đặt mục tiêu, ép con phải đạt học sinh giỏi hay chiến thắng trong các cuộc thi, cha mẹ hãy trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy của con.

Đứa trẻ bị cha mẹ áp đặt thường rất áp lực và luôn tự ti, có chút tức giận. Có những trẻ sẽ sinh ra sự chống đối không đáng có.

Vậy nên, thay vì trở thành "người lớn không hiểu chuyện" hãy trở thành người đồng hành, ủng hộ và định hướng con theo cách tôn trọng và tin tưởng nhất. Và hãy nhớ nói yêu con nhiều hơn một chút, để con biết rằng, cha mẹ luôn yêu thương và tin tưởng con vô cùng.

Theo:  xevathethao.vn copy link