Khi nấu ăn, nhặt rau xong thường chúng ta sẽ vứt phần cuống già đi vì nghĩ chúng không thể sử dụng. Tuy nhiên, một số loại ra có thể trồng bằng phương pháp giâm cành, nó có thể thu hoạch nhanh hơn so với gieo trồng bằng hạt.
1. Rau mùng tơi
Trên thực tế, trồng rau mồng tơi bằng cành sẽ giúp bạn nhanh thu hoạch rau ăn hơn gieo trồng bằng hạt. Vì nếu bắt đầu trồng bằng việc gieo hạt, hạt giống sẽ cần thời gian ngâm ủ, chờ một tuần để cây nảy mầm, tỉa bớt cây để tập trung phát triển cây khỏe. Sau khoảng 1,5-2 tháng, bạn mới có rau để ăn. Trong khi đó, bạn có thể dễ dàng trồng và nhân giống rau mồng tơi bằng cách giâm cành và thu hoạch chỉ sau một tháng. Khi mua rau về ăn, bạn có thể lấy phần cuống rau bỏ đi vẫn còn vài lá xanh để đem trồng.
Chọn cành khỏe mạnh, thân già, có lá non hoặc mầm càng tốt. Cắt đoạn cành khoảng 15 cm gồm 4-5 mắt và cắt nó ngay dưới một nút lá 1 góc 45 độ. Loại bỏ hết toàn bộ lá và chỉ để lại thân trơ trụi. Khoảng cách giâm mỗi cành cách nhau từ 10cm. Trong thời gian đầu giâm cành, tưới nước đầy đủ và giữ chậu ươm trong bóng mát chờ khi chúng xuất hiện rễ và lá mới thì đưa ra ngoài ươm.
Sau trồng khoảng 1 tháng có thể thu hoạch. Dùng dao sắc cắt gốc cách mặt đất 5 – 10 cm. Từ đó trở đi khoảng 12 – 15 ngày lại thu được một lứa. Nên thu vào buổi sáng sớm, thu hoạch khi trời nắng nóng rau dễ bị héo, ôi, kém phẩm chất.
2. Rau ngót
Các gia đình sử dụng rau ngót để nấu canh với thịt hoặc tôm giúp thanh mát cơ thể, nhuận tràng, bổ huyết,…. Trong rau ngót có nhiều chất dinh dưỡng và vitamin C bổ dưỡng, đặc biệt nhất là chất đạm với các Amoni Axit đóng vai trò rất quan trọng đối với cơ thể.
Rau ngót sinh trưởng tốt nhất ở những nơi đất có nhiều mùn, có độ ẩm cao. Rau này thường được trồng bằng thân. Ta chọn những đoạn thân ở cây khỏe mạnh, không bị sâu bệnh và chặt thành từng đoạn 20-25cm. Sau đó, cắm các đoạn thân đó vào các rãnh đã chuẩn bị sẵn rộng 20-25cm và sâu 10-15cm. Mỗi rãnh nên cách nhau khoảng 40-50cm để có lối đi vào khi hái lá. Sau khi cắm cành, ta phải giữ ẩm cho đất. Sau khoản 10-15 ngày, phần hom bắt đầu mọc rễ và nảy chồi. Vì là cây ăn lá nên cây rau ngót cần lượng đạm và lần nhiều. Trong khi lượng kali chỉ cần ít là đủ.
3. Rau muống
Để trồng rau muống bằng cành, đầu tiên, loại bỏ lá trên cành rau muống. Khi ngắt lá thì dinh dưỡng sẽ tập trung cho cành ra chồi mới tốt hơn. Nếu có thời gian bạn có thể lựa cành già và nhú rễ một chút thì càng tốt. Tất nhiên, rau muống giâm cành nào cũng dễ sống cả, tuy nhiên do trồng trong thùng xốp nên hãy chọn kỹ một chút nhé.
Trước khi trồng rau muống bạn cần chuẩn bị đất trồng cây. Tốt nhất nên dùng đất thịt có trộn thêm phân hữu cơ sẽ giúp cây phát triển tốt hơn.
Chuẩn bị thùng xốp xong thì cho toàn bộ đất chuẩn bị vào. Lần lượt cho cành rau muống sau khi đã ngắt hết lá, bạn vùi xuống đất sâu khoảng 3 - 5 cm. Tốt nhất là đoạn vùi xuống đất có 1 đến 2 đốt vì rễ sẽ mọc ra ở ngay phần cuống lá (đầu các đốt). Phần cành bên trên để dài khoảng 10 – 20 cm là tốt nhất. Các cành rau muống trồng thẳng hướng lên trên và cách đều nhau một khoảng để rau muống sau này có không gian phát triển. Sau khi trồng xong cành xuống đất các bạn để chậu trồng cây ở chỗ mát, thoáng khí.
4. Lá lốt
Lá lốt thường được trồng bằng cành. Chọn những cây lá lốt sinh trưởng mạnh (lá xanh bóng, mượt, kích thước lá to) cắt thành từng đoạn dài 20 – 30cm để giâm.
Giâm những đoạn thân vừa cắt trực tiếp trên liếp đã chuẩn bị để trồng, giâm từng hàng vào đất (ngập 2/3 đoạn thân vừa cắt), sau đó tưới nước nhẹ cho cây đủ ẩm.
Khoảng 15 ngày đầu sau khi trồng, tưới nước ngày 2 lần cho cây. Sau đó, có thể 2 – 3 ngày tưới 1 lần tùy thuộc vào thời tiết.Thường xuyên làm cỏ, vun xới cho cây. Sau mỗi đợt thu hoạch, bón phân hữu cơ, phân dê, phân bò, phân trùn quế… cho cây.
5. Rau lang
Rau lang (rau khoai lang) là một loại rau dân dã được rất nhiều người yêu thích bởi vị ngọt mát và những tác dụng sức khỏe mà nó mang lại. Trong những ngày hè nắng nóng, được ngồi quây quần bên gia đình nhỏ và thưởng thức bữa cơm có món ngọn rau lang xào, rau lang làm gỏi hay nấu canh thì còn gì thú vị hơn.
Chọn những cành lang to khỏe, không bị sâu bệnh rồi cắt ra các đoạn nhánh nhỏ để làm cành giâm. Nhẹ nhàng giâm cành lang đã cắt vào trong đất lần lượt cho tới khi hết. Sau đó tưới nước bằng bình tưới vòi hoa sen. Với cách trồng này, chỉ sau khoảng 2 – 3 ngày thì cành sẽ đâm rễ mới.
Trong quá trình gieo trồng, bạn cần tưới nước đều đặn cho cây, đặc biệt là trong suốt tuần đầu tiên, khi cây cần rất nhiều nước cho sự phát triển của mầm mon và lá mới. Còn trong tuần tiếp theo, bạn tưới nước cách ngày và các tuần sau nữa thì tưới nước thưa dần.