#1. Có bắt buộc phải đổi CCCD?
Trước thông tin báo chí đăng rầm rộ, nhiều người cứ hiểu là bắt buộc phải đổi thẻ này nên ùn ùn kéo nhau đi đổi khiến nhiều nơi gặp tình trạng quá tải khi giải quyết thủ tục cấp đổi CCCD. Thực tế thì chỉ bắt buộc phải đổi khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Khi công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên và chưa từng được cấp CMND hoặc CCCD.
- Khi CMND đã hết hạn 15 năm kể từ ngày cấp.
- Khi đến mốc tuổi phải đổi là đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Lưu ý thêm nếu đã đổi CCCD trong vòng 2 năm trước mốc tuổi phải đổi thì đến mốc tuổi tiếp theo mới phải đổi thẻ CCCD.
Ví dụ như năm 38 tuổi đã đổi CCCD rồi thì đến năm đủ 60 tuổi mới phải đổi nhé.
- Khi CMND hoặc CCCD bị hư hỏng không dùng được.
- Khi có thay đổi các thông tin như họ tên, chữ đệm hay đặc điểm nhận dạng.
- Khi xác định lại giới tính, quê quán.
- Khi có sai sót thông tin trên CMND hoặc CCCD.
- Khi bị mất giấy CMND hoặc CCCD.
- Khi được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.
Nếu không thuộc một trong các trường hợp trên thì mẹ không bắt buộc phải đi đổi CCCD ngay bây giờ. Tuy nhiên nếu muốn thì mẹ vẫn có thể yêu cầu cấp đổi nha.
#2. Khi đi đổi thẻ CCCD cần chuẩn bị gì?
Sổ hộ khẩu là giấy tờ cần thiết khi đi làm thủ tục cấp đổi CCCD. Ngoài ra, đối với các trường hợp đổi thì cần mang theo CMND hoặc CCCD cũ. Khi đi nhớ ăn mặc chỉnh tề, trang phục và tóc tai gọn gàng để chụp hình.
#3. Lệ phí cấp đổi CCCD là bao nhiêu?
Hiện tại, lệ phí cấp đổi CCCD đang được giảm từ nay cho đến hết 30/6/2021 vì ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, cụ thể:
- Trường hợp chuyển từ CMND 9 số, 12 số sang CCCD: 15.000 đồng.
- Đổi CCCD do bị hỏng không dùng được; thay đổi thông tin họ tên, đặc điểm nhận dạng; xác định lại giới tính, quê quán hay có sai sót thông tin trên thẻ, hoặc là khi công dân có yêu cầu: 25.000 đồng.
- Cấp lại CCCD khi bị mất thẻ hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam: 35.000 đồng.
Một số người có thắc mắc vì sao lệ phí họ nộp nhiều hơn mức trên thì phải xem lại mình có đăng ký thêm dịch vụ nào khác không, chẳng hạn như là yêu cầu gửi về tận nhà qua đường bưu điện…
Mẹ cũng cần biết các trường hợp dưới đây thì không phải nộp lệ phí, đó là:
- Khi công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp CCCD lần đầu theo quy định.
- Đổi CCCD khi đến mốc tuổi đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi phải đổi.
- Đổi CCCD khi có sai sót thông tin do lỗi của cơ quan quản lý.
- Đổi CCCD khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính.
- Đổi, cấp lại CCCD cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thường trú tại các xã biên giới; công dân thường trú tại các huyện đảo; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật;
- Đổi, cấp lại CCCD cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.
#4. Khi nào thì được đổi CCCD ở nơi tạm trú?
Có 4 trường hợp được đổi, cấp lại CCCD ở công an quận hoặc huyện nơi tạm trú gồm:
- Đổi căn cước công dân khi đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
- CCCD bị hư hỏng không sử dụng được.
- Bị mất CCCD.
- Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Các trường hợp khác phải về công an quận hoặc huyện nơi đăng ký thường trú để được cấp đổi thẻ.
#5. CCCD có chức năng định vị theo dõi người dân không?
CCCD không có chức năng định vụ theo dõi người dân, CCCD chỉ mang lại lợi ích vì tích hợp được đầy đủ thông tin cá nhân của một người bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, số CCCD, nơi thường trú và các thông tin như bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe và tình trạng xử phạt vi phạm giao thông…
Việc dùng CCCD có gắn chíp sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện các giao dịch hành chính, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính. Đồng thời việc tích hợp và dùng thông tin trên chíp tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
#6. Chuyển hộ khẩu sang tỉnh, thành phố khác thì có phải làm lại CCCD không?
Nhiều người vẫn theo ‘dấu chân’ của CMND nên cứ nghĩ chuyển nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì CCCD đã được cấp phải đổi lại. Tuy nhiên, theo quy định mới, đã có CCCD rồi thì không cần phải đổi CCCD khi chuyển hộ khẩu sang nơi khác. Mình chỉ cần đi khai báo là được cập nhật thông tin nhé.
#7. Hạn sử dụng CCCD là bao lâu?
Nếu như CMND có thời hạn 15 năm kể từ ngày cấp thì CCCD có thời hạn sử dụng phụ thuộc vào độ tuổi của người được cấp. Mẹ cứ nhớ mốc tuổi đủ 25, đủ 40 và đủ 60 là phải đi đổi nha.
#8. Đã đổi CMND 12 số thì nay đổi sang CCCD có phải đổi số nữa không?
CMND 12 số hiện được cấp theo cấu trúc số định danh mới, nên khi đổi từ CMND 12 số sang CCCD thì không đổi lại số nữa.
Dãy 12 số này theo cấu trúc gồm 3 số đầu là mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh, 1 số kế tiếp là mã thế kỷ sinh và giới tính, 2 số kế tiếp nữa là mã năm sinh (2 số cuối của năm sinh) và 6 số cuối là dãy số ngẫu nhiên.
Cho nên đọc vào dãy số CCCD mẹ có thể đoán được người đó sinh ra ở đâu, sinh năm nào là nam hay nữ.