Gạo lứt là loại gạo chỉ chà vỏ còn để nguyên lớp cám. Lớp cám này rất giàu vitamin và chất xơ, tinh dầu cám tốt cho sức khỏe. Bởi thế ăn gạo lứt được cho là tốt hơn ăn gạo đã chà kỹ (gạo trắng). Gạo lứt có nhiều loại nhưng chủ yếu là lứt hồng, lứt đỏ. Các loại thóc để làm gạo trắng bình thường ít được bán dưới dạng lứt, mà hầu hết đều chà vỏ kỹ thành gạo trắng là vì đặc tính của chúng dẻo, vỏ lứt không đẹp và dễ ăn như các loại thóc chuyên để làm gạo lứt. Chữ lứt chỉ đơn giản để thể hiện tính chất là hạt thóc đó chà vỏ xong rồi có chà thêm lớp cám không, nếu không bỏ lớp cám thì gọi là lứt. Chữ lứt ở đây không có nghĩa là một giống thóc lúa. Ví dụ gạo tám thơm mà chúng ta thường mua nề nấu cơm trắng, nếu họ chà vỏ mà không chà hết cám thì cũng sẽ có lứt gạo tám thơm.
Lớp vỏ gạo lứt có những thành phần dinh dưỡng mà trong gạo đã chà sạch không còn đặc biệt là vitamin B1, dầu cám và chất xơ, một vài vi khoáng. Chính vì thế gạo lứt được cho là món ăn giúp hỗ trợ giảm cân, tiểu đường.
Nhai kỹ tác dụng gì?
Tuy nhiên ăn gạo lứt dạng ăn kiêng bảo vệ sức khỏe, ăn thực dưỡng thì điều rất cần chú ý là nên nhai kỹ. Nhai kỹ, chậm nuốt là khuyến cáo khoa học áp dụng cho tất cả mọi món ăn và mọi lúc ăn. Nhưng với gạo lứt thì khuyến cáo này càng cần thiết. Đó là vì gạo lứt có nhiều chất xơ hơn nên không nhai kỹ sẽ khó tiêu hóa. Hơn nữa việc ăn vội ăn nhanh khiến bạn có thể ăn lượng dư thừa mức nhu cầu của cơ thể. Do đó nếu ăn gạo lứt để thực dưỡng, chăm sóc sức khỏe mà không nhai kỹ thì giống như việc bạn mới làm theo phong trào chứ chưa thực sự sâu sắc để phát huy tác dụng của món ăn này. Việc ăn chậm nhai kỹ giúp tiết enzyme tốt hơn và giúp thức ăn nghiền nát kỹ hơn, thuận lợi cho hệ tiêu hóa. Ăn chậm nhai kỹ còn giúp sự phối hợp giữa tiêu hóa và não bộ tốt hơn để não bộ nhận được thông tin kịp thời và chuẩn xác để “chỉ đạo” nên ngừng ăn phù hợp. Hơn nữa gạo lứt ít dẻo, khô hơn gạo trắng nên nếu không nhai kỹ bạn sẽ không cảm nhận được vị ngon, đôi khi cảm thấy rất khó nuốt. Ăn lứt mà không nhai kỹ, ăn vội ăn vàng còn tăng nguy cơ hội chứng leaky gut – hội chứng rò rỉ thành ruột.
Lưu ý khác khi ăn gạo lứt
Gạo lứt vì còn lớp cám, nên thành phần asen trong lứt cao hơn gạo trắng. Asen này do ô nhiễm từ đất, nước khi trồng cấy. Hơn nữa khi còn cám tức là gạo còn axit phytic, một axit báo vào những vi chất có lợi cho cơ thể làm giảm hấp thu; hay enzyme inhibitor làm cản trở chuyển hóa chất… Bởi vậy khi dùng gạo lứt nhất định phải ngâm tối thiểu 6 tiếng và tốt nhất ngâm 12-24 tiếng rồi mới nấu.
Việc ăn gạo lứt không hợp lý, nấu không ngâm có thể gây ra tình trạng thiếu vi chất.
Khi ngâm gạo lứt thì nên chú ý thay nước thường xuyên, nhất là vào mùa hè nắng nóng để gạo không bị chua, lên vi khuẩn lên men và không bị tróc vỏ cám bên ngoài.
Vì lớp cám gạo lứt rất nhiều dầu nên dễ bị ẩm mốc hơn và sẽ hôi gạo nhanh hơn. Do đó bạn không nên tích trữ gạo lứt thời gian dài, nên ăn tới đâu mua tới đó trong vòng nửa tháng để tránh giảm chất lượng của gạo lứt.
Những người đang điều trị bệnh mới ốm dậy, phụ nữ có thai, trẻ em cũng nên hạn chế dùng gạo lứt.