Tâm lý của rất nhiều cha mẹ là mong muốn mình trở thành cha mẹ tốt, cha mẹ hoàn hảo. Nhưng thế nào là cha mẹ tốt? Thế nào là cha mẹ hoàn hảo. TS. Stosny, ĐH Maryland (Mỹ) từng chia sẻ rằng con cái phạm lỗi dù lớn hay nhỏ thì cha mẹ thường có cảm giác chúng ta làm mẹ không đủ tốt. Và cảm giác đó sẽ là con dao 2 lưỡi, 1 lưỡi làm động lực nhắm vào chính bản thân để chúng ta rèn luyện tốt hơn, tìm và học hỏi thêm phương pháp nuôi con, 1 lưỡi lại khiến chúng ta cho rằng chúng ta thất bại không hoàn hảo, thế là chúng ta chĩa về con và đôi khi biến con thành nơi trút giận, có thể là mắng con, trách con, hoặc có thể lại là tạo sức ép lớn hơn lên con, hoặc đôi khi lại là tỏa ra một năng lượng rất tiêu cực lên gia đình.
Bởi vậy để là một cha mẹ giúp con phát triển tốt nhất, bố mẹ nên nhớ 4 điều sau:
Hãy là cha mẹ tốt, đừng là cha mẹ hoàn hảo
Cha mẹ tốt là biết chấp nhận sai lầm để làm tốt hơn và giảm sai lầm tương tự. Cha mẹ cũng sẽ hiểu con cái cũng có những sai lầm nên cần được bao dung và dạy dỗ. Còn nếu bạn muốn làm cha mẹ hoàn hảo ép mình không được sai lầm thì cũng sẽ gây áp lực cho con đòi con hoàn hảo. Điều đó đôi khi rất đáng sợ khiến con nghẹn thở trong gia đình. Khi có sai lầm, bạn thấy không thể chấp nhận được thì từ đó sẽ có những hành vi rất tiêu cực. Vì thế hãy luôn cố gắng làm cha mẹ tốt cho con, nếu thấy sai thì học và sửa nhưng đừng tự dằn vặt bản thân rằng sao tôi không hoàn hảo, và đừng cố che đậy mọi khuyết điểm để trong mắt người khác chúng ta được là người hoàn hảo. Hãy can đảm nhận ra những điều chưa được và tha thứ cho bản thân bằng cách thoải mái để tìm ra phương pháp mới tốt hơn. Đối đãi với con cũng vậy, đừng đòi con hoàn hảo và cũng đừng cố gắng thành hoàn hảo trong mắt con, hãy cho con hiểu cha mẹ cũng có lúc sai và quan trọng nhất sai thì phải sửa để không lặp lại lỗi sai đó lần nữa. Những người theo đuổi cha mẹ hoàn hảo cũng thường sợ hãi khi có sai sót xảy ra, thường tìm cách lấp liếm hoặc sẽ đổ lỗi sai là do con.
Đừng bao giờ đưa quyết định khi bạn tức giận
Nuôi con mà chưa từng tức giận thì rất hiếm. Hầu hết các bậc cha mẹ đều trải qua giây phút nóng giận và bực mình mệt mỏi với con. Nhưng đừng quyết định gì lúc ấy. Mọi quyết định lúc nóng vội đều kém thông minh. Hãy dừng suy nghĩ vài giây để kiểm soát cơn tức giận. Lúc tức giận, IQ của não bộ chỉ còn 30% so với lúc bình thường. Lúc đó não chỉ hoạt động ở mức tối thiểu nên đừng quyết định việc gì vào lúc đó. Quyết định sai có thể sửa nhưng có thể không bao giờ có cơ hội sửa nữa. Hơn nữa nếu có kịp sửa thì nó cũng tạo ra một tiền lệ xấu trong nuôi dạy con. Vì thế khi bạn tức giận hãy tập thói quen dừng lại và có thể đếm 1,2,3, 4,5... để nguôi giận rồi hãy nói thêm.
Tránh la mắng và ra quyết định gì với trẻ vào lúc đó. Hãy để nó có đủ 1 khoảng lặng để có thể nhìn vào tổng thể và để đưa ra quyết định.
Học cách nói lời xin lỗi con khi tức giận với con
Đừng cho rằng mình người lớn không muốn sai trước mặt con. Nếu bạn sai dám xin lỗi con sẽ cho con bài học hay.
Hơn nữa sau khi mắng con vì con sai bạn cũng nên xin lỗi, để trẻ nhận ra rằng khi con sai việc cha mẹ dạy con là đúng nhưng việc la mắng là hành vi không nên. Xin lỗi về lời mắng của mình độc lập với hành vi sai trái của trẻ. Đừng nghĩ rằng con sai thì bạn có quyền la mắng. Hai việc đó khác nhau. Con sai con phải chịu trách nhiệm cho sai của mình. Hành vi la mắng của cha mẹ là cách ứng xử không đúng đắn, cha mẹ cần chịu trách nhiệm. Khi bạn xin lỗi con, con sẽ nhận ra bản thân trẻ phải chịu trách nhiệm và biết xin lỗi, phải biết sửa sai.
Dũng cảm ghi nhận mỗi lần thể hiện sự thiếu kiềm chế
Khi bạn thiếu kiềm chế cảm xúc với con, hãy nhận lỗi với con. Sau mỗi lần bạn la mắng, quát tháo trẻ thiếu kiềm chế, bạn hãy ghi nhận lại tình huống đó:
- Lúc đó con của tôi sẽ như thế nào nếu tôi không quát tháo con?
- Tình huống sẽ như thế nào nếu tôi bình tĩnh hơn?
- Tôi sẽ làm gì nếu lần sau xảy ra?
Bạn hãy viết câu trả lời cho3 câu hỏi trên vào 1 tờ giấy hoặc nghĩ thầm trong đầu sau mỗi lần bạn thiếu kiềm chế với trẻ và bạn sẽ nhìn thấy sự thay đổi của chính bản thân mình trong những lần sau.
Những việc trên nếu cha mẹ làm được, con cái của họ sẽ phát triển tốt hơn rất nhiều. Trong cuộc sống này không có thứ gì hoàn hảo cả, cả bạn và con bạn cũng thế. Vì vậy cố gắng tốt lên từng ngày quan trọng hơn là làm sao để làm mình thành hoàn hảo. Áp lực của sự hoàn hảo vô tình khiến cả bạn và con trở nên bất hạnh nhé.