Bất chấp đầu tháng, người Việt vẫn ăn thịt vịt Tết Đoan Ngọ

09:35, Thứ hai 02/06/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Món thịt vịt - món ăn luôn bị người Việt "tẩy chay" đầu tháng, thì lại trở thành món ăn truyền thống trong ngày mùng 5 tháng 5 này.

Tết Đoan Ngọ là một trong những ngày Tết cổ truyền của Việt Nam. Trong ngày này, người dân trên khắp mọi miền luôn có những món ăn truyền thống. Và đặc biệt, món thịt vịt - món ăn luôn bị người Việt "tẩy chay" đầu tháng, thì lại trở thành món ăn truyền thống trong ngày mùng 5 tháng 5 này.

Thịt vịt

Mô tả ảnh.
Thịt vịt kho hấp dẫn.
Mô tả ảnh.
Thịt vịt quay là món được dùng khá phổ biến.
Mô tả ảnh.
Thịt vịt luộc cũng rất được ưa chuộng.

Thường thì người ta kiêng ăn thịt vịt vào đầu tháng. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương của miền Trung, người ta lại ăn thịt vịt, tới dịp tết Đoan ngọ, thịt vịt lại vô cùng đắt hàng. Họ quan niệm, bắt đầu từ mùng 5 tháng 5 trở đi, vịt bắt đầu vào mùa. Những con vịt béo hơn, thịt ngon và không có mùi hôi nữa. 

Vì thế, trong Tết Đoan Ngọ, ở hầu hết các gia đình, họ đều mua vịt và chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Trong đó tiết canh vịt là phổ biến nhất.

Ngày xưa, mỗi dịp Tết Đoan Ngọ, các chợ của miền này thường rất rộn rã việc mua bán vịt sống. Có một số địa phương ở các vùng khác, tục ăn vịt cũng được lưu truyền.

Bánh Gio

Mô tả ảnh.
Món bánh truyền thống trong ngày tết Đoan Ngọ.

Bánh Gio, hay còn gọi là bánh tro (người miền Nam thì gọi là bánh ú nước tro) là món bánh truyền thống trong ngày tết Đoan Ngọ.

Bánh gio được làm khá cầu kỳ, rơm nếp đốt rồi lấy tro, hòa với nước cho tan và để lắng, chắt lấy phần nước trong đem ngâm với gạo nếp, sau đó vớt ra xả lại bằng nước sạch, để ráo. Nhân bánh thường bằng đậu xanh hoặc không nhân. 

Đậu xanh ngâm qua đêm cho nở, nấu chín và tán nhuyễn với đường cát. Bánh được gói bằng lá chuối hoặc lá dong. Bánh ăn rất mát, khi ăn chấm với nước mật, sánh, rất hấp dẫn.

Cơm rượu

Mô tả ảnh.
 Cơm rượu, món ăn không thể thiếu trong ngày tết Đoan Ngọ.

Giống như bánh gio, cơm rượu cũng là món ăn không thể thiếu trong ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch. Theo quan niệm của dân gian, trong bụng chúng ta thường chứa rất nhiều các loại ký sinh gây hại, trong ngày tết Đoan Ngọ, các loại ký sinh thường ngoi lên nên chúng ta phải ăn thức ăn có vị chua vào để diệt chúng. Chính vì vậy nên dù có khác nhau về cách chế biến thì cơm rượu là món ăn phổ biến từ Nam ra Bắc trong ngày này.

Cơm rượu được làm từ gạo nếp cái thơm, đem đồ chín thành xôi rồi để nguội, sau đó đổ xôi vào rổ, rắc bột men lên bề mặt theo từng lớp. Sự kết hợp giữa xôi nếp và men trong quá trình ủ đã tạo ra hương vị thơm ngọt, chất đường tăng lên làm cho tính chất bổ dưỡng của món này cũng tăng lên. 

Cơm rượu có tác dụng rất tốt cho sức khỏe, làm ấm cơ thể, thăng khí giúp tinh thần vui vẻ, phấn chấn.

Chè trôi nước 

Mô tả ảnh.
Chè trôi nước là món ăn được yêu thích vào ngày 5-5.

Không chỉ là món chè truyền thống trong ngày 3-3 âm lịch, chè trôi nước còn là món ăn được yêu thích vào ngày 5-5. Từng viên chè tròn làm bằng bột nếp trắng, bên trong có nhân đậu xanh, ăn cùng với nước cốt dừa rất hấp dẫn.

Chè có vị béo của đậu xanh, vị ngọt của đường, nước cốt dừa, vị man mát của bột ở ngay đầu lưỡi và mùi thơm hấp dẫn của gừng, nước cốt dừa.

Các loại trái cây

Mô tả ảnh.
Trái cây cũng không thể thiếu trong tết Đoan Ngọ.

Ngoài bánh gio, cơm rượu, chè trôi nước, những loại hoa quả như mận, vải thiều, bơ, xoài, đào, chôm chôm… cũng không thể thiếu trong tết Đoan Ngọ này. Tuy nhiên đây đều là những loại hoa quả nóng, vì thế chúng ta chỉ nên ăn "làm phép" thay vì ăn no bụng những loại hoa quả này để tránh tình trạng bị nóng ruột, mọc mụn vì "giết sâu bọ" nhé!

Như vậy, cứ đến Tết Đoan Ngọ, ở Việt Nam, những món ăn để "giết sâu bọ" rất phong phú, đa dạng theo mỗi vùng miền. Nhưng dù là món ăn nào, trái cây gì, người Việt vẫn luôn hướng tới và duy trì một nét đẹp văn hóa, một thứ nét đẹp tâm linh đã trở thành truyền thống tự bao đời.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link