Bi kịch ấy đến từ một buổi chiều định mệnh. Lúc ấy ở cánh đồng lúa, chị Võ Thị Hà (SN 1977), xóm Bắc Lai, xã Phú Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) cùng chồng và một người khác trong lúc trú mưa bị sét đánh. Hai người chết cháy đen, còn chị bị nhiễm điện và hóa tâm thần.
Cú sét định mệnh
Chúng tôi tìm đến thăm mẹ con chị theo lời cầu cứu của một người thầy thuốc giàu y đức tại địa phương. Cái nắng gay gắt đầu mùa khiến cho căn nhà nhỏ lọt thỏm trong xóm nghèo của mẹ con chị càng trở nên ngột ngạt. Căn nhà nhỏ khoảng chừng chục mét vuông nhưng chẳng có vật dụng gì đáng giá ngoài bộ bàn ghế cho mấy đứa nhỏ học. Thấy khách lạ đến nhà người đàn bà có vẻ sợ hãi rồi trốn biệt sau nhà. Phải nhờ ông Võ Văn Lộc, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Phú Thành sang thuyết phục chị mới chịu gặp chúng tôi. Ông Lộc cho biết, bình thường chị Hà nói năng khôn lắm. Nhưng khi lên cơn chị có thể phá bất cứ thứ gì trong nhà. Chị la hét, chửi bới người này đến người khác. Một năm trước, chị còn trèo lên mái nhà rồi nhảy xuống, chúng tôi phải đưa đi cấp cứu bệnh viện. Lần nữa, chị một mình đạp xe đạp cả trăm cây số đi lung tung khiến mấy đứa trẻ khóc nhao nhờ hàng xóm đi tìm. Rồi ông Lộc kể về số phận của người đàn bà điên với giọng điệu xót xa.
Chị Hà nhớ lại giây phút chứng kiến người chồng bị sét đánh chết. |
Chị Võ Thị Hà sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Phú Thành. Dù không xinh xắn nhưng với cách ăn nói hóm hĩnh, chị được rất nhiều người trong làng để ý. Trong số đó, chị có tình cảm nhất với anh Lê Xuân Lợi (SN 1972, người cùng làng). Đám cưới của hai người được tổ chức hết sức đơn giản nhưng nhận được rất nhiều lời chúc phúc của họ hàng. Họ càng hạnh phúc hơn khi trong ba năm sinh được 3 đứa con trai thông minh và khỏe mạnh. Mỗi năm khi mùa màng xong, anh Lợi lại tranh thủ đi làm phụ hồ thuê kiếm thêm thu nhập nuôi vợi con. Chị Hà thì ngược xuôi buôi bán để phụ giúp chồng nuôi ba đứa con.
Cuộc sống cứ êm đềm trôi qua cho đến một ngày tháng 5/2006. Một tai họa kinh hoàng bất ngờ ấp xuống. Lúc đó, hai vợ chồng chị Hà cùng một người hàng xóm đi gặt đang chuẩn bị chất lúa lên xe để về thì một cơn mưa giông ào ào đổ xuống. Thấy mưa nhưng họ gắng chất lúa lên xe cho xong để về vì sợ cơn mưa kéo dài. Nhưng khi ba người đang đứng gần nhau để chuẩn bị kéo xe về thì một cơn sét mạnh giáng xuống. Anh Lợi và người hàng xóm chết ngay tại chỗ, còn chị Hà bị sét đánh văng xa ra cả mấy mét. Chứng kiến cảnh chồng bị sét đánh chết đối với chị Hà là một cú sốc lớn. “Lúc đó, tôi cũng bị sét đánh nhưng khoảng 2 phút sau tỉnh dậy. Thấy chồng và người hàng xóm nằm bất động tôi đã cố hô hấp cho họ và kêu người đến cứu nhưng không kịp”, nói đến đây chị ngây ngô cười khì.
Hàng ngày lúc tình táo, chị vẫn ra chợ xin sách vở về cho con học. |
Tưởng thoát được lưỡi hái của tử thần, ba đứa con ít nhiều còn có chỗ dựa nhưng thật trớ trêu, kể từ ngày đó chị Hà đã phát điên, lúc tỉnh lúc mê. Bà Nguyễn Thị Lưu, hàng xóm của nhà chị Hà cho biết: “Ngày anh Lợi mất, thay vì lo tang lễ cho chồng chị Hà lang thang ngoài đường, nhặt rác ngồi ăn và miệng cứ lẩm bẩm: “Đừng giết tôi”. Ba đứa con thì còn quá nhỏ để hiểu nỗi mất mát của cha nên cứ cười đùa bên di ảnh của bố. Nhìn cảnh tượng đó ai cũng phải rơi nước mắt”.
Trong lúc đang nói chuyện với chúng tôi, chị Hà đi ra ngoài rồi lẩm bẩm “phải nấu cơm cho con ăn”. Bà Lưu cho biết, do hoàn cảnh khó khăn không có tiền để đi khám ở bệnh viện, người thân của chị đưa đến các thầy lang để khám và chữa trị nhưng bao nhiêu năm rồi vẫn không khỏi. Suốt ngày chị Hà cứ lang thang ngoài đường đi xin ăn. Có hôm chị bị lạc đường ba đứa con nhỏ dại đi tìm mãi mới đưa được mẹ về.
Tình mẹ của người đàn bà điên
Cái chết của anh Lợi để lại nỗi đau vô cùng lớn cho chị Hà và ba đứa con nhỏ. Chưa đầy 40 tuổi nhưng nhìn thân hình chị trở nên tiều tụy và già nua. Gần 8 năm sống trong cảnh điên loạn, lang thang khắp đầu đường xó trợ, bát kể trời nắng hay mưa, mùa đông lạnh giá hay trời hè nóng nực. Ai cho gì chị đều dành về cho ba đứa con của mình. Có những ngày không xin được gì 4 mẹ con uống nước lã cho no bụng rồi ngủ một cách ngon lành. Vì thiếu ăn nên nhìn ba đứa con của chị Hà xanh xao, gầy gò.
Cháu Phúc luôn cố gắng học giỏi để thực hiện ước nguyện của người cha đã mất. |
Bố mất đồng nghĩa với việc cháu Lê Xuân Lộc (SN 1997), Lê Xuân Phúc (SN 1998) và cháu Lê Xuân Đức (SN 1999) phải thay bố lo toan việc trong nhà. Ba đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi học nhưng thương mẹ nên vừa đi học về hai anh em vội lo việc nhà giúp mẹ. Lau vội những giọt nước mắt lăn dài trên má, cháu Lộc nức nở: “Bố mất rồi, giờ đây cháu ước mẹ sớm khỏi bệnh để nuôi nấng ba đứa cháu học hành. Cháu thương mẹ lắm, khi tỉnh táo mẹ lo cho ba đứa chu đáo lắm. Những lúc như thế, anh em cháu rất vui. Nhưng khi mẹ lên cơn điên chúng cháu rất sợ. Có những lúc mẹ nhốt ba anh em cháu vào nhà đánh đập rồi khóa cửa không cho tới trường. Cháu còn nhớ, một ngày 4 mẹ con cùng nhau đi bắt ốc để về bán đổi gạo. Về đến nhà mẹ lên cơn điên đổ tất cả ốc xuống ao nhà bên. Vừa giận vừa thương mẹ. Mấy ngày tiếp đó chúng cháu phải ăn cháo hoa cho qua ngày”.
Lúc tỉnh táo, chị Hà đi ra chợ xin bút, xin sách, vở về cho con học hành nhưng khi lên cơn điên chị vứt tất cả, nhốt con lại rồi không cho tới trường. “Nhưng mẹ như vậy nhìn tội nghiệp lắm, chỉ mong sao mẹ nhanh tỉnh lại thôi. Đôi lúc cháu muốn nghỉ học về đi làm thuê nuôi mẹ lắm nhưng mẹ lại không cho. Khi tỉnh táo mẹ lại dặn dò, phải cố gắng học sau này thành tài vì đó là ước nguyện của bố lúc còn sống. Mẹ luôn dặn ba anh em dù đói cũng phải cố gắng học. Ước mơ của ba anh em cháu là thi đỗ đại học để sau này trở thành bác sỹ giỏi chữa bệnh cho mẹ và những người nghèo khác. Nhưng ước mơ đó xa vời quá các cô à” , nói đến đây Phúc bỗng òa khóc.
Ba anh em luôn đạt học sinh giỏi huyện và tỉnh. |
Nghe lời mẹ dặn lúc tỉnh táo, Lộc, Phúc và Đức luôn cố gắng học hành. Nhiều năm liền ba em luôn đạt học sinh giỏi trường và huyện. Trao đổi với chúng tôi, Ông Võ Văn Lộc, Chủ tịch Hội khuyến học Phú Thành chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình chị Hà rất khó khăn nhưng ba đứa con của chị học giỏi lắm. Chúng tôi luôn tạo điều kiện miễn, giảm các khoản đóng góp. Các tổ chức đoàn thể ở xã, thôn đã kêu gọi quyên góp, ủng hộ nhưng cũng chỉ được một phần nào thôi. Hội khuyến học xã chỉ quyên góp sách vở, quần áo để động viên em cố gắng vượt qua hoàn cảnh khó khăn, yên tâm lo học tập”.
Hiện, bệnh tình của chị Hà ngày càng trầm trọng, trong khi các cháu còn quá nhỏ, chưa thể cáng đáng kinh tế gia đình. Những ngày tới mấy mẹ con họ sống thế nào, chúng tôi cũng không thể biết được.