Bức thư hiệu trưởng gửi phụ huynh trước thi khiến bạn giật mình

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Mỗi bậc cha mẹ luôn có kỳ vọng rất cao vào đứa con của mình, tuy nhiên với vị hiệu trưởng này, nếu con bạn đạt điểm cao thì thật tuyệt vời...

dạy con
 

Mỗi bậc cha mẹ luôn có kỳ vọng rất cao vào đứa con của mình, tuy nhiên với vị hiệu trưởng này, nếu con bạn đạt điểm cao thì thật tuyệt vời, nhưng nếu con không thể xin đừng làm mất đi sự tự tin của chúng. Với bất kỳ bậc cha mẹ nào thì con cái luôn là tài sản lớn nhất mà họ có được. Nhưng dường như chính vì đó là tài sản lớn nhất nên họ đặt quá nhiều ước mơ, kỳ vọng vào những đứa con ngay từ khi chúng còn chưa trưởng thành.

Ở châu Á và tại Việt Nam, điều đó lại càng bị đặt nặng hơn. Những đứa trẻ luôn được nhồi nhét tư tưởng phải học, học thật giỏi, phải thi đạt được điểm cao. Cuộc sống của chúng gắn liền với toán, văn, tiếng anh, với những lớp học thêm và cả xấp bài tập về nhà mỗi tối.

Có lẽ, nhiều người không biết rằng Henry Ford chưa bao giờ tốt nghiệp trung học, tuy nhiên ông đã sáng lập nên một trong những công ty sản xuất ô tô lớn nhất thế giới - Ford Motor. Còn Michael Phelps - một trong những huyền thoại thể thao của thế giới thì không thích học và mắc hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ngay từ khi còn nhỏ.

Mỗi đứa trẻ đều là một cá thể đặc biệt và duy nhất. Chúng không cần và không đáng bị so sánh với bất kỳ một ai đó trên thế giới. Một đứa trẻ không học giỏi toán hay không học tốt vật lý không có nghĩa là chúng không có tương lai, một đứa trẻ thích vẽ tranh, thích bóng đá và không thích học không có nghĩa là chúng sẽ không làm nên kỳ tích. Nhưng liệu đã có bao nhiêu ông bố, bà mẹ học rộng, tài cao hiểu được điều đó? Thật đáng buồn là con số đó vẫn chưa nhiều.

Và nếu bạn vẫn chưa phải là những phụ huynh nằm trong số đó, vậy thì bạn hãy đọc ngay bức thư từ hiệu trưởng trường The Heritage ở Kolkata, Ấn Độ gửi cho các bậc phụ huynh khi kì thi sắp diễn ra ngay dưới đây để hiểu được lý do tại sao lại như vậy.

dạy con
 

Nội dung của bức thư cụ thể như sau:

"Gửi các bậc phụ huynh,

Một kỳ thi nữa của các con lại đang tới gần. Và tôi biết rằng các vị đều đang mong ngóng con mình sẽ đạt được kết quả tốt nhất.

Tuy nhiên, xin quý vị hãy nhớ rằng, trong số các con - những người có mặt tại kỳ thi này, sẽ có người trở thành một nghệ sỹ. Và một nghệ sỹ thì không cần hiểu sâu về môn Toán học.

Trong đó còn có con sẽ trở thành một doanh nhân, người không cần quan tâm quá nhiều đến lịch sử hay văn học.

Có những con sẽ trở thành một nhạc sỹ và với chúng, hóa học sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả.

Và có con sẽ trở thành một vận động viên thể thao, người mà năng lực thể chất quan trọng hơn là vật lý.

Nếu con bạn đạt điểm cao, điều đó thật tuyệt vời. Nhưng nếu con không thể, xin đừng làm mất đi sự tự tin của chúng. Hãy nói với con rằng đó chỉ là một kỳ thi và mọi chuyện sẽ ổn thôi. Con sẽ còn đối mặt với những thứ lớn lao hơn thế nhiều sau này lớn lên. Hãy cho chúng hiểu rằng, dù điểm số của con như thế nào, bố mẹ vẫn yêu thương con và không phán xét bất cứ điều gì về con.

Xin các bậc phụ huynh hãy làm như vậy! Và nếu các vị làm được, hãy chờ đợi con mình chinh phục thế giới như thế nào nhé! Hãy nhớ rằng một kỳ thi hay một điểm số kém sẽ không thể gạt bỏ những ước mơ và tài năng bên trong của các con".

Ngay sau khi bức thư này xuất hiện vào tháng 3 năm 2016, chúng đã làm rung chuyển cả Ấn Độ. Bức thư đã nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ và comment chỉ trong một thời gian ngắn. P Sarathi Bhowal – người đại diện phòng công chúng của trường The Heritage đã chia sẻ với BuzzFeed Ấn Độ rằng: "Từ nhỏ, tôi đã chứng kiến rất nhiều hình ảnh các bậc cha mẹ cho rằng việc thành công của con cái tỷ lệ thuận với điểm số trong thi cử của con. Tôi không đồng ý với quan điểm này và sẽ không để mọi người cũng nghĩ theo cách như vậy. Tại sao điểm thi lại có thể quyết định sự thành của một đứa trẻ? Trẻ em cần được khuyến khích để làm những điều mà chúng thích làm. Điều đó sẽ tạo nên những đứa trẻ còn thành công hơn cả việc bắt ép chúng".

Trong nhiều thập kỷ qua, nhà tâm lý học Carol Dweck thuộc Đại học Stanford đã nghiên cứu về "tư duy tăng trưởng" và "suy nghĩ cố định", mà điều khác biệt cốt lõi nhất, là ý chí của con trẻ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hành động của chúng. Chỉ cần bọn trẻ tin rằng chúng sẽ làm được, thì nhất định chúng sẽ thành công.

Vì vậy, hãy đặt niềm tin vào con của bạn, trao cho chúng những ước mơ, khuyến khích con làm theo những điều mình thích và nuôi dưỡng tài năng nơi con. Và đừng bao giờ nghĩ rằng, chỉ có kỹ sư hay bác sỹ mới là những người hạnh phúc duy nhất trên thế giới này!

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn