Cha mẹ thường xuyên trò chuyện cùng con: Giao tiếp đúng cách với con là một chìa khóa của nuôi con thành công. Ngay cả khi trẻ chưa biết nói hoặc đang tập nói, chúng cũng được "hưởng lợi" từ những cuộc trò chuyện với cha mẹ. Những cha mẹ nuôi dạy con thành công luôn duy trì thói quen trò chuyện cùng con, từ những chủ đề thân thuộc như thời tiết, thức ăn, đến những đề tài rộng hơn như Trái Đất, vũ trụ.
Khi cha mẹ thường xuyên nói chuyện với con, nói càng nhiều thông tin càng magn lại lợi ích cho trẻ. Hoạt động này giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ, kỹ năng xã hội, đồng thời nâng cao khả năng tư duy, tưởng tượng.
Cha mẹ yêu cầu con làm việc nhà từ nhỏ:
Dựa trên kết quả nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ), Julie Lythcott-Haimes, cựu hiệu trưởng của Đại học Stanford, tác giả cuốn sách "How To Raise An Adult," (Tạm dịch "Cách nuôi dưỡng trẻ nên người") tin rằng những đứa trẻ thường xuyên làm việc nhà khi trưởng thành sẽ là những người có khả năng làm việc độc lập, có thể phối hợp hiệu quả với người khác và cũng có sự cảm thông lớn hơn những đứa trẻ được cung phụng từ bé mà không phải động chân động tay vào bất kỳ một việc gì.
Làm việc nhà giúp trẻ học được kỹ năng và cũng tăng thêm tinh thần trách nhiệm và biết chăm sóc bản thân khi ra ngoài đời.
Cha mẹ không kiểm soát con:
Nhiều cha mẹ yêu con nhưng lại sinh ra kiểm soát điều khiển con theo ý mình. Cha mẹ nên là người hướng dẫn thay vì kiểm soát trẻ. Nói cách khác, cha mẹ nên tìm hiểu con muốn gì, yêu thích điều gì, từ đó hỗ trợ con phát triển đam mê đó. Được theo đuổi điều mình muốn, trẻ sẽ hạnh phúc và hoàn thiện bản thân tốt hơn.
Cha mẹ để con tự lập từ bé:
Bà Esther Wojcicki, mẹ của hai doanh nhân người Mỹ Susan và Anne Wojcicki, cho biết bí quyết dạy con thành công của bà là để con tự lập từ sớm. Sự tự lập giúp Susan và Anne có cảm giác tự do, tự tin và cư xử có trách nhiệm hơn những đứa trẻ khác. Khảo sát của ĐH Harvard cũng cho thấy 85% doanh nhân thành đạt đều có tính tự lập từ nhỏ. Những người này có tính cách độc lập, nắm bắt tình hình chuẩn xác, biết đưa ra quyết định đúng đắn.
Cha mẹ dạy con các kỹ năng xã hội:
Trong 1 cuộc nghiên cứu của Đại học Bang Pennsylvania và Đại học Duke của Mỹ, trong đó theo dõi những đứa trẻ từ khi chúng còn học mẫu giáo cho đến tuổi 25, các nhà khoa học đã tìm thấy mối liên hệ lớn giữa những kỹ năng xã hội được dạy khi các em còn nhỏ và thành công khi chúng trưởng thành.
Theo đó thì những em bé 5 tuổi biết giúp đỡ thấu hiểu người khác sẽ có nhiều kỹ năng tốt và có cơ hội lấy được bằng đại học và có công việc toàn thời gian trước tuổi 25 cao hơn.
Cha mẹ quan tâm việc học của con ở trường:
Một số phụ huynh thậm chí không nhận ra con mình đang thất bại hay gặp khó khăn trong học tập. Họ không kiểm tra email, trả lời thư thoại từ thầy cô và cũng không tham gia các cuộc họp phụ huynh ở trường. "Đừng hỏi con công việc học tập ở trường thế nào bởi vì chúng sẽ nói rằng vẫn ổn. Hãy hỏi giáo viên", giáo viên tiếng Anh Rebecca Rosen ở New York nói. Một giáo viên khác cho rằng trong thời đại công nghệ như hiện nay, bố mẹ dễ dàng nắm bắt được công việc con đang làm ở trường. Nếu có câu hỏi về lớp học hay bài tập, bố mẹ nên liên hệ trực tiếp với giáo viên đứng lớp trước khi tỏ ra khó chịu và đi gặp cấp quản lý cao hơn.
Cha mẹ dạy con biết giúp đỡ người khác:
Joan Kleppinger Harrison, mẹ của CEO Scott Harrison, cho rằng sự thành công của con trai là nhờ nền tảng nuôi dạy bà đặt ra từ sớm, dựa trên tinh thần cộng đồng, tính kỷ luật và làm việc chăm chỉ. Khi còn là học sinh tiểu học, Scott Harrison đã được mẹ hướng dẫn phân loại quần áo, sách vở và đồ chơi để tặng cho những người bạn khó khăn hơn. Những hành động tương thân tương ái giúp đứa trẻ hình thành trái tim ấm áp, từ đó có nhận thức sớm về các vấn đề của người khác.
Theo người mẹ, nhận thức này giúp trẻ biết đặt ra những câu hỏi liên quan kinh doanh như "mọi chuyện có nên phát triển theo hướng này?", "làm thế nào để xây dựng theo hướng tốt hơn?".
Cha mẹ cho phép con thất bại:
Khi cha mẹ đặt áp lực con phải thành công thì chính con có thể sẽ thất bại nhiêu hơn. Cha mẹ không chấp nhận lỗi của con thì chính con sẽ trốn tránh và che giấu sai lầm từ đó khó mà hoàn thiện bản thân.