Đa số mọi người đều cho rằng sử dụng điều hòa công suất nhỏ sẽ tiết kiệm điện hơn. Tuy nhiên, theo một số thợ sữa chữa, lắp đặt điều hòa, chọn điều hòa công suất lớn hơn so với quy định sẽ tốt hơn.
Vậy cái nào mới đúng? Trên lý thuyết, đúng là điều hòa công suất nhỏ có mức tiêu thụ điện năng thấp hơn so với điều hòa công suất lớn. Trên thực tế, chúng ta phải so sánh việc sử dụng hai loại điều hòa ở cùng một diện tích phòng mới thấy được sự chênh lệch về mức tiêu thụ điện năng.
Theo VietNamNet, anh Đặng Văn Nam, một kỹ sư điện lạnh cho biết máy nén là bộ phận tiêu tốn tới 95% điện năng của điều hòa. Thông thường, các dòng điều hòa trên thị trường hiện nay đều có cảm biến nhiệt. Khi phòng đạt đến ngưỡng nhiệt độ cài đặt, động cơ máy nén của điều hòa sẽ ngừng làm việc.
Anh Nam cho biết nhiều người tiêu dùng, thậm chí cả thợ điều hòa cũng cho rằng điều hòa công suất lớn sẽ tốn điện hơn so với điều hòa công suất nhỏ.
Tuy nhiên, nếu so sánh cùng một diện tích phòng, điều hòa công suất lớn sẽ tiết kiệm điện hơn so với điều hòa công suất nhỏ. Anh Nam so sánh giữa việc lắp 1 điều hòa có công suất 12.000 BTU với việc lắp điều hòa 9.000 BTU cho phòng diện tích 15m2. Theo quy định của nhà sản xuất, điều hòa 9.000 BTU là loại tiêu chuẩn dành cho phòng diện tích 15m2.
Trên thực tế, máy có công suất 12.000 BTU sẽ chỉ mất khoảng 20 phút để đạt được nhiệt độ cài đặt 26 độ C. Sau đó, máy nén sẽ ngừng hoạt động và không còn tốn điện nữa. Trong khi đó, máy có công suất 9.000 BTU sẽ mất tới 32 phút để đạt được nhiệt độ 26 độ C.
Nói về mức tiêu thụ điện, điều hòa 12.000 BTU khi cài đặt ở nhiệt độ 26 độ C sẽ tiêu tốn 333W, còn điều hòa công suất 9.000BTU tiêu tốn 400W.
Khi nhiệt độ phòng đạt mức cài đặt, máy nén sẽ tự ngắt. Khi nhiệt độ phòng cao hơn mức nhiệt cài đặt, máy nén mới hoạt động trở lại. Do đó, công suất máy khỏe hơn, làm việc hiệu quả hơn, rút ngắn thời gian làm mát so với máy công suất nhỏ.
Về kỹ thuật, anh Nam cho biết các thiết bị điện nói chung, bao gồm cả điều hòa khi phải làm việc liên tục đều giảm tuổi thọ.
Ví dụ, một chiếc điều hòa chạy liên tục trong 10 triệu giờ sẽ hỏng. Nếu so sánh 2 máy cùng làm việc trong một môi trường và diện tích phòng thì điều hòa công suất 9.000 BTU sẽ hỏng trước điều hòa 12.000 BTU vì máy công suất nhỏ phải làm việc nhiều hơn.
Nhiều khách hàng cho rằng điều hòa công suất lớn sẽ tốn nhiều chi phí lắp đặt, bảo trì, sữa chữa. Tuy nhiên, theo kỹ sư điện lạnh, điều hòa công suất nhỏ dễ lắp đặt, bảo trì và sữa chữa hơn so với các loại công suất lớn chỉ đúng khi so sánh với hệ thống điều hòa có công suất vượt trội trên 60.000 BTU mà loại này thường chỉ dùng cho các tòa nhà, văn phòng lớn. Đối với điều hòa công suất từ 9.000 đến 24.000 BTU thì các chi phí nói trên đều ngang nhau.
Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, công suất điều hòa tiêu chuẩn phù hợp với diện tích phòng là:
- Phòng 15m2 nên dùng điều hòa công suất 9.000 BTU.
- Phòng 20m2 nên dùng điều hòa công suất 12.000 BTU.
- Phòng 30m2 nên dùng điều hòa công suất 18.000 BTU.
- Phòng 40m2 nên dùng điều hòa công suất 24.000 BTU.
Căn cứ vào công suất tiêu chuẩn cho từng diện tích phòng như trên, khách hàng có thể lựa chọn máy có công suất lớn hơn một chút để tiết kiệm điện và kéo dài tuổi thọ của máy.