Việc cho bé bú cần phải có kỹ năng các mẹ cần phải học để có thể chăm sóc con mình tốt nhất. Với nhiều mẹ việc cho bé bú nằm thường tiện lợi và dễ dàng hơn. Nhưng đây lại là tư thế không tốt cho bé, nhất là hệ tiêu hóa của bé vẫn còn trong giai đoạn chưa hoàn thiện.
Lý do mẹ không nên cho con bú nằm
Bác sĩ thường khuyên các bà mẹ không nên cho con bú nằm. Bởi khi mới sinh hoặc khi vẫn còn trong giai đoạn đang bú mẹ, thực quản của con không có tuyến niêm dịch, các tổ chức cơ chưa phát triển đầy đủ, kích thước dạ dày còn nhỏ và ở tư thế nằm ngang, lỗ tâm vị của dạ dày không khép kín như trẻ lớn nên trẻ rất dễ bị nôn trớ khi đang bú.
Sự chưa hoàn thiện của cơ quan tiêu hóa ở trẻ sơ sinh thể hiện ở việc không có tuyến niêm dịch trong thực quản, dạ dày nhỏ và nằm ngang, lỗ tâm vị của dạ dày không khép kín. Chính vì vậy mà trẻ rất dễ bị nôn trớ.
Việc trớ khi uống sữa có thể gây sặc cho bé, rất nguy hiểm, đặc biệt là với những bé mới sinh, còn non yếu. Sữa trớ chảy ra ngoài khi bé nằm có thể chảy vào tai bé, đọng lại lâu ngày gây viêm tai. Viêm tai nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng như khiến bé bị sốt, viêm tai tái phát nhiều lần làm ảnh hưởng đến thính lực của bé. Vì vậy, nếu thấy bé trớ, mẹ cần lau sạch quanh miệng và tai của bé ngay.
Một số trường hợp buộc phải cho bé bú nằm
Bú nằm không được khuyến khích cho các mẹ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp có thể xem xét:
Nếu mẹ rơi vào trường hợp sinh mổ, sinh non hoặc do một số bệnh lý… Mẹ sinh mổ có thể bị kiệt sức. Lúc này mẹ sẽ không đủ sức để ẵm bồng con, thì việc cho bé bú nằm là điều khó tránh khỏi. Bởi khi đó, cơ thể của mẹ còn yếu, vết mổ chưa liền nên mẹ không thể ngồi dậy, việc ẵm bồng bé cho bé có thể đè lên vết mổ…
Tuy nhiên, khi cho trẻ bú cách này mẹ nên chọn tư thế thuận lợi, nhằm tránh khiến bé phải nuốt phải khí dư khi bú. Khi bé nuốt quá nhiều không khí vào người thì dễ dàng bị trớ, đau bụng và quấy khóc. Khi nào mẹ cảm thấy vết mổ đỡ rồi thì hãy thay đổi tư thế bú sữa ở bé .