Trên thị trường vàng trong nước, trong phiên giao dịch hôm qua, giá vàng trong nước giảm 10-20 ngàn đồng/lượng so với phiên cuối tuần trước.
Chốt phiên 16/5, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức: 36,47 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,55 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 36,40 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,62 triệu đồng/lượng (bán ra).
Theo Doji, bất chấp những tín hiệu khả quan của giá vàng thế giới do những số liệu kinh tế mới và những bất ổn từ phía Triều Tiên, giá vàng trong nước vẫn chưa cho thấy sự chuyển mình rõ rệt nào.
Đi ngang vẫn là xu thế chủ đạo của giá vàng trong cả phiên. Bởi vậy đã không tạo được sự thay đổi khác biệt về số lượng khách hàng nhỏ lẻ quan tâm đến quý kim vàng. Phần lớn các nhà đầu tư đều chọn phương án đứng ngoài thị trường và chờ đợi xu hướng rõ ràng hơn.
Tới đầu giờ sáng 17/5 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay tăng khoảng 5 USD lên 1.235,4 USD/ounce.
Giá vàng giao tháng 6 trên sàn Comex New York tăng 4,8 USD lên 1.234,8 USD/ounce.
Hiện giá vàng cao hơn 7,3% (+85 USD/ounce) so với cuối năm 2016. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá gần 34,2 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn giá vàng trong nước 2,4 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới đêm qua tăng phiên thứ 4 liên tiếp do đồng USD suy yếu sau khi một số liệu kinh tế của Mỹ thấp hơn kỳ vọng.
Đêm qua, đồng USD giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016 sau khi có nhiều dấu hiệu cho thấy các hoạt động kinh tế của Mỹ thấp hơn kỳ vọng. Điều này khiến kế hoạch tăng lãi suất của Mỹ có thể chậm lại.
Chỉ số hoạt động sản xuất tại New York vừa công bố bất ngờ giảm trong tháng 5, xuống vùng âm lần đầu tiên kể từ tháng 10. Nó khiến giới đầu tư lo ngại là dấu hiệu về sự suy giảm trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ.
Với những tín hiệu này, kỳ vọng về một quyết định tăng lãi suất trong phiên họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong tháng 6 đã giảm xuống chỉ còn 74%, so với mức 84% trong tuần trước.
Đồng USD giảm 0,4% xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 10 so với rổ các đồng tiền chủ chốt.
Đồng USD giảm khiến vàng tăng giá.
Theo phân tích kỹ thuật, vàng có thể lên mức 1.245 USD/ounce.
Phân tích kỹ thuật cho thấy, xu hướng giảm giá ngắn hạn vẫn áp đảo. Ngưỡng kháng cự gần nhất là đỉnh cao hôm qua: 1.237,4 USD/ounce và sau đó là: 1.241,5 USD/ounce. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất là thấp hôm qua: 1.226,8 USD/ounce và sau đó là: 1.220 USD/ounce.
Tờ The Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết rằng tổng thống Trump đã chia sẻ thông tin nhạy cảm thu được từ một đồng minh thân cận của Mỹ - có thể là Israel - với Ngoại trưởng và Đại sứ Nga tại một cuộc họp vào tuần trước. Sự trao đổi thông tin này có thể tác động xấu tới các thoả thuận chia sẻ thông tin tình báo quan trọng trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo IS. Washington Post là tờ báo đầu tiên tiết lộ sự việc này. Vào hôm thứ 3, ông Trump đã bảo vệ hành động của mình.
Ông Chintan Karnani, chuyên gia phân tích thị trường của Insignia Consultants, cho biết "tranh cãi không hồi kết về ông Trump" đã tạo ra sự hỗ trợ cho giá vàng, và ông cũng tin rằng vụ tấn công bằng mã độc trên toàn cầu gần đây cũng ảnh hưởng đến các cơ sở y tế của vương quốc Anh sẽ dẫn đến nhu cầu vàng vật chất cao hơn từ châu Âu.
Vàng cũng đã chốt phiên ở mức cao nhất trong gần 2 tuần vào thứ hai sau khi Triều Tiên tiếp tục phô diễn sức mạnh hạt nhân. Trong khi đó, bạch kim, đồng và bạc tăng cao, sau khi Trung Quốc đưa ra quan điểm về việc tăng tốc các dự án cơ sở hạ tầng vào cuối tuần trước.
Về khía cạnh kinh tế, các nhà giao dịch đang kỳ vọng xác suất Fed nâng lãi suất vào tháng 6 đã lên tới gần 100%, theo công cụ FedWatch của CME Group cho thấy, nhưng nếu từ nay đến khi cuộc họp tháng 6 diễn ra thì có nhiều số liệu kinh tế yếu kém được đưa ra sẽ làm giảm kì vọng của các nhà giao dịch. Vàng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất, vì điều này làm tăng chi phí cơ hội cho việc giữ tài sản như vàng, vốn không sinh lãi, và làm USD mạnh lên, vốn là đồng tiền dùng để yết giá vàng.