Giáo sư Lý Mai Cẩn - chuyên gia trong lĩnh vực Tâm lý Tội phạm và Nuôi dạy con cái hiện đang công tác tại Đại học Cảnh sát Nhân dân Trung Quốc chi sẻ rằng những đứa trẻ có 3 dấu hiệu này chỉ thể hiện sự khôn lỏi chứ không hề thông minh. Cha mẹ cần phải uốn nắn, giúp con sửa đổi những thói quen đó để tránh làm ảnh hưởng đến tương lai.
Có những lời nói kiêu ngạo
Trong quá trình trưởng thành, con sẽ dần hình thành nhận thức về thế giới dựa vào quan điểm và góc nhìn cá nhân. Chuyện trẻ tranh cãi với bố mẹ và bạn bè về một vấn đề nào đó trong cuộc sống là điều hết sức bình thường. Nếu trẻ không đủ bằng chứng để chứng minh lời nói của mình mà vẫn tranh luận gay gắt với người khác và tình trạng này thường xuyên diễn ra thì cha mẹ không được bỏ qua.
Khi thấy con hay cãi vã, nói chuyện kiêu ngạo thì chứng tỏ con không giỏi trong việc lắng nghe ý kiến người khác. Như vậy, sau này ra ngoài xã hội, đi làm, con sẽ gặp nhiều khó khăn bởi không nghe theo sự chỉ đạo của cấp trên, không nhận góp ý từ những người xung quanh. Người như vậy sẽ khó thăng tiến trong sự nghiệp, đời sống riêng tư cũng khó suôn sẻ.
Hay nói lời xu nịnh
Xu nịnh và khéo ăn nói là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Con có EQ - chỉ số cảm xúc cao sẽ có cách xử lý khéo léo trong nhiều tình huống và luôn được lòng mọi người. Ngược lại, con chỉ biết xu nịnh người khác, khen ngợi không thật lòng lại là điều đáng quan tâm.
Đôi khi dành một vài lời khen cho người khác là điều tốt nhưng khen quá nhiều thì lại mang đến tác dụng phụ. Thực tế, ai cũng thích được khen nên những người xu nịnh vẫn có đất sống. Về lâu dài, kiểu người chỉ biết nịnh nọt khó lòng mà phát triển bền vững. Dù ở đâu, năng lực của họ vẫn là thứ không được cải thiện, chỉ biết khua môi múa mép. Như vậy, người này sẽ chẳng thể chạm tay đến thành công.
Khi thấy con có thói xu nịnh, cha mẹ cần uốn này để tính cách này không trở thành thói quen của con.
Lười biếng, có tính cơ hội
Đây là kiểu tính cách mà cha mẹ rất dễ phát hiện. Chẳng hạn như trong việc học, khi giáo viên yêu cầu con vẽ một vật gì đó mà con lại dùng giấy than để copy lại hình ảnh trong sách. Nhiều cha mẹ thấy hành động này lại cho rằng con thông minh, nhanh trí. Thực tế, đó chỉ là sự thông minh giả, trốn tránh công việc thực sự bằng sự láu cá, khôn lỏi mà thôi.
Khi trưởng thành và bước ra ngoài xã hội, những người như vậy thường dễ vướng vào rắc rối. Bởi một khi cấp trên phát hiện nhân viên của mình không trung thực, chỉ cố gắng tìm các chiêu trò để luồn lách, làm cho xong việc thì rất dễ bị đào thải, không được ai trọng dụng.
Làm thế nào để sửa đổi các hành vi thông minh giả của con?
Trong quá trình trưởng thành của con, cha mẹ cần theo dõi sát sao cử chỉ, lời ăn tiếng nói của bé để có sự uốn nắn kịp thời. Bước đầu tiên mà các bậc phụ huynh cần làm chính là làm gương cho con.
Chẳng hạn, khi khen một ai đó, cha mẹ hãy khen một cách thật lòng, thay vì khen ngợi bừa bại. Con sẽ nhìn điểm này ở người lớn mà học tập.
Khi thấy con có hành vi khôn lỏi, không trung thực, cha mẹ cần phải nhắc nhở và điều chỉnh ngay. Hãy cho bé biết về hậu quả của hành vi không đúng đó và yêu cầu trẻ không được lặp lại. Ví dụ như với trường hợp vẽ tranh nêu trên, cha mẹ cần chỉ cho con việc sao chép như vậy là không trung thực, không rèn luyện được khả năng vẽ của con. Nếu cô giái phát hiện thì bé có thể bị phạt, không được chấm điểm, không đạt các phần thưởng... Như vậy, trẻ sẽ biết hậu quả của việc làm và không muốn mắc phải sai lầm nữa.
Tất nhiên, khi trẻ làm tốt một điều gì đó, cha mẹ cũng cần dành những lời khen hoặc một món quà khích lệ, động viên.
Ngoài ra, đừng giữ trẻ khư khư ở trong nhà, hãy cho con tham gia các hoạt động tập thể. Trong quá trình vui chơi, trẻ sẽ được giao tiếp với các bạn bè đồng trang lứa và học hỏi được nhiều điều.