Nhiều F0 chia sẻ rằng sau khi âm tính họ bị rụng tóc đến hói cả đầu. Cùng thắc mắc vì sao COVID-19 là căn bệnh về đường hô hấp, vì sao lại gây rụng tóc.
Liên quan tới vấn đề này, BSCKII Da Liễu Nguyễn Phương Thảo cho biết: COVID-19 có ảnh hưởng đến chức năng hô hấp, nhưng đồng thời cũng có thể tấn công mầm sinh tóc. Kéo dài giai đoạn nghỉ ngơi của sợi tóc, đẩy nhanh quá trình rụng tóc làm cho tóc mọc chậm.
COVID-19 thường tấn công vào tế bào có receptor AEC2. Đây là 1 loại thụ thể giúp virus xâm nhập vào trong tế bào. Các tế bào phổi, xương, thần kinh, tim và cả tế bào mầm tóc đều chứa receptor nên virus rất dễ tấn công vào.
Nguyên nhân thứ 2 khiến hậu COVID có thể xảy ra tình trạng rụng tóc đó là do stress. Căng thẳng làm mạch máu nuôi nang tóc bị co lại, tóc thiếu dinh dưỡng khiến sợi tóc yếu dần và rụng.
Nguyên nhân cuối cùng đó là do người bệnh bị thiếu dinh dưỡng. Trong giai đoạn COVID-19 và hậu COVID-19, cơ thể cần dinh dưỡng nhiều cho các cơ quan đích như tim, gan, phổi, thận hoạt động. Nếu thiếu dinh dưỡng thì các cơ quan phụ như da, tóc, móng không được cung cấp đủ dinh dưỡng vì phải ưu tiên các cơ quan đích để duy trì sự sống. Đó là lý do vì sao nếu cơ thể thiếu dinh dưỡng thì tóc sẽ rụng nhiều hơn.
Rụng tóc có phải là một tình trạng nguy hiểm không?
BSCKII Da Liễu Nguyễn Phương Thảo: Rụng tóc hậu COVID-19 không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó như 1 dấu hiệu báo tin rằng cơ thể đang thiếu chất và cần phục hồi dinh dưỡng. Nếu tình trạng này không được sửa chữa và phục hồi thì để lâu sẽ gây thiếu dinh dưỡng nhiều hơn, ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Rụng tóc tuy không ảnh hưởng tính mạng nhưng có thể ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân rất nhiều.
Nhiều người lo ngại rằng việc rụng tóc hậu COVID-19 sẽ không thể mọc lại được?
BSCKII Da Liễu Nguyễn Phương Thảo: Rụng tóc hậu COVID-19 có thể mọc lại bình thường. Tuy nhiên, tuỳ vào mức độ rụng và dinh dưỡng tại vùng chân tóc và da đầu sẽ quyết định thời gian mọc và tỉ lệ mọc.
Nếu dinh dưỡng tại vùng da đầu và toàn thân tốt thì tỉ lệ mọc lại rất cao và thời gian mọc lại sẽ nhanh 1 – 2 tháng.
Hậu COVID-19, cần sinh hoạt như thế nào để cải thiện tình trạng rụng tóc?
- Đầu tiên, ở giai đoạn hồi phục bệnh nhân không nên sử dụng các hoá chất uốn nhuộm nhiều, nên cắt tóc ngắn để sợi tóc nhẹ hơn giúp cho chân tóc bớt chịu sức nặng của sợi tóc.
- Không buộc túm tóc quá chặt, không nên gội đầu ban đêm hoặc để tóc ướt đi ngủ.
- Nên massage da đầu thường xuyên để kích thích lưu thông mạch máu.
Những nhóm thực phẩm nào có lợi cho quá trình phục hồi tóc rụng?
BSCKII Da Liễu Nguyễn Phương Thảo: Có 3 nhóm thực phẩm mà hậu COVID-19 nên tăng cường để tốt cho tóc và ngừa rụng tóc.
Thứ nhất, cần bổ sung các chất dinh dưỡng như vitamin và khoáng chất quan trọng như thịt cá. Cùng nguồn thực phẩm giàu sắt, vitamin D, C, B12, kẽm, acid folic, vitamin B12, biotin, Magie…
Thứ hai, cần bổ sung những loại thức ăn giúp tóc đen mượt: lòng đỏ trứng gà, gan động vật, các loại rau xanh, hải sản, các loại ngũ cốc.
Cuối cùng là những loại thức uống tốt cho tóc bao gồm đậu đen xanh lòng, hà thủ ô, bột chùm ngây.
Thời điểm nào người bệnh nên đi khám rụng tóc?
Trung bình 1 ngày, 1 người có thể rụng khoảng 100 sợi. Nên nếu thấy số lượng tóc rụng nhiều hơn, tóc thưa nhiều, kéo dài hơn 6 tháng hoặc bị rụng tóc từng mảng, ngứa hoặc kích ứng... thì cần đến khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được hướng dẫn chăm sóc và dinh dưỡng. Nếu can thiệp ngay từ đầu thì tình trạng mất tóc sẽ không bị quá nghiêm trọng.