Tai nạn đáng tiếc khi tiếp xúc với chó mèo
Đầu tháng 11, bé Nguyễn Văn C, ngụ tại Đồng Tháp, được chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng hoảng sợ, vùng mặt, da đầu bị tổn thương vì chó cắn. Sau khi được cấp cứu tích cực với 35 mũi khâu, bé đã qua khỏi cơn nguy kịch. Theo lời của người thân, bé đi cùng mẹ và một con chó ngoài đường đã tấn công bất ngờ khiến bé bị tổn thương sâu, ngã nhào. Phải rất nhiều người can thiệp con chó mới bỏ đi, nhưng để lại tổn thương nặng nề cho thân thể em bé.
Ngày 8/7, bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM đã phẫu thuật tái tạo dương vật của bệnh nhi T.A.N. Bé mới hơn 1 tháng tuổi, trú tại Bình Dương. Tai nạn xảy ra khi bé bị chính chó nhà tấn công. Gia đình cho biết, con chó cắn bé mới được đem về nhà nuôi một thời gian ngắn. Trong lúc người mẹ đang chơi với bé N. thì bỗng dưng con chó xông đến cắn bộ phận sinh dục của bé. Bé nhập viện trong tình trạng vùng kín bị tổn thương nặng nề, rách và chảy máu sâu.
Được các bác sĩ tận tình điều trị tích cực, dùng thuốc, rửa vết thương, phẫu thuật khâu lại vùng da bị tổn thương nên bé đã may mắn qua khỏi cơn hiểm nghèo. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của bé đã được cải thiện, vết mổ đang trong quá trình lành lặn.
Gần đây nhất là thông tin bé Lexi Hudson sống tại Mountsorrel, Leicestershire, Anh bị chính con chó của gia đình tấn công cũng chết ngay tại chỗ.
Bé nhanh chóng được đưa tới trung tâm y tế ở Nottingham nhưng không qua khỏi vì những vết thương quá nặng.
Trước những thông tin tai nạn nghiêm trọng do vật nuôi gây nên, đặc biệt là chó mèo, các bậc phụ huynh có con nhỏ bắt đầu lo lắng tới việc nuôi thú cưng trong nhà.
Bé Lexi và con chó gây ra vụ tấn công.
Chuyên gia khuyên gì?
Phòng bệnh:
Trả lời về vấn đề này, Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Hồng Quang, Trưởng khoa nghiên cứu lâm sàng và điều trị bệnh nhiệt đới (Viện Sốt rét ký sinh trùng, côn trùng Quy Nhơn) cho biết, trẻ em nói riêng và con người nói chung có khả năng nhiễm ấu trùng, ký sinh trùng từ chó mèo, vật nuôi. Người bệnh nhiễm loài ấu trùng này thường qua đường miệng, hậu môn. Một trong những ký sinh trùng nguy hiểm thường trực trong ruột non của chó là sán dải. Con sán trưởng thành dài tới 3-6mm, đầu có 4 ống hút và một hàng móc đôi. Trứng của loài sán này theo phân chó mèo ra ngoài có thể sống từ vài tuần đến vài tháng trong đất, cỏ, rau.
Khi trẻ vuốt ve vật nuôi nếu không được vệ sinh cẩn thận, trứng sán ra ngoài môi trường dính vào tay, trứng đi vào cơ thể trẻ, chúng lớn thành ấu nang có dạng bướu. Bướu tăng trưởng đủ độ có đường kính từ 1-7 cm, chứa trên 2 triệu đầu sán. Chúng phát triển làm cho người lớn, trẻ nhỏ bị đau bụng, tiêu chảy, ngứa ngoài da, dị ứng.
Tuy nhiên, bác sĩ Quang nhấn mạnh phụ huynh cũng không nên quá lo lắng bởi tùy từng cơ địa, tùy từng hoàn cảnh thì ấu trùng đó mới lọt được vào cơ thể trẻ, dù có vào được cơ thể rồi thì tùy từng độ ẩm, sự phát triển thì chúng mới nảy sinh thành bệnh.
Tóm lại, để phòng ngừa các bệnh lây truyền từ vật nuôi, hàng năm gia đình cần cho vật nuôi tiêm chủng, uống thuốc diệt sán định kỳ. Thường xuyên giữ vệ sinh, tắm và diệt bọ chét cho vật nuôi. Lưu ý vệ sinh tay chân sạch sẽ sau khi tiếp xúc với vật nuôi.
Nói về vấn đề này, Thạc sĩ Thú y Hải Đăng (Bệnh viện thú y Hải Đăng), anh từng là cán bộ thuộc đoàn xiếc Trung Ương, cho biết:
Vật nuôi là những người bạn rất quen thuộc đối với con người. Trong nhiều trường hợp, vật nuôi giúp trẻ em phát triển tâm sinh lý tốt, giúp trẻ em biết yêu thương gia đình, người thân, cộng đồng. Giúp chữa bệnh đối với những trẻ bị khiếm khuyết tâm lý (ví dụ như bệnh tự kỷ). Đó là những lợi ích nói chung khi cho trẻ tiếp xúc với vật nuôi. Tuy nhiên, chó mèo cũng chứa rất nhiều những mầm bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ nhỏ: vi rút, vi khuẩn ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa, giun sán, ký sinh trùng, lông chó mèo có thể khiến bé bị bệnh hen suyễn...
Cha mẹ cần dạy bé thói quen giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, vì phân và nước tiểu của con vật thải ra làm chăn, giường bị bẩn, trẻ sẽ rất dễ mắc bệnh. Để an toàn, người lớn không nên cho trẻ tiếp xúc với chó, mèo thả rông. Cha mẹ luôn phải để mắt tới trẻ khi trẻ chơi đùa với chó, đặc biệt là những bé đang ở tuổi tập bò, tập đi…
Theo chuyên gia, chó, mèo phải được tắm từ 1-2 lần/ tuần bằng loại dầu tắm riêng để loại bỏ trứng giun bám vào lông; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin, tẩy giun sán định kỳ tùy từng loại vật nuôi. Khi vật nuôi có các biểu hiện bị bệnh như rụng lông, ngứa ngáy, bỏ ăn,... mọi người cần đưa ngay chúng đến phòng khám.
Với những bé lớn tuổi hơn, cha mẹ cần phải dặn dò con, dạy con hiểu cách đề phòng vật nuôi: không đùa giỡn, thò tay vào miệng chó, không được đùa nghịch thái quá khiến chúng nổi giận.
Sơ cứu khi bị vật nuôi cắn
Theo bác sĩ Như Huỳnh – bệnh viên nhi đồng I cho biết, nếu trẻ bị vật nuôi cắn, đặc biệt là chó, cha mẹ cần binh tĩnh tránh cho bé bị hoảng sợ, lo lắng. Người lớn nhanh chóng kiểm tra vết thương để kết luận sơ qua bé bị nặng hay nhẹ, trầy xước hay rất sâu. Nhanh chóng rửa vết thương cho bé bằng nước sạch và xà phòng, xả nước mạnh vào vết thương trong 3-5 phút. Sát trùng vết thương bằng dung dịch sát khuẩn, băng vết thương bằng vải sạch, đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế gần nhất để khám bệnh.
Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ khám chữa và kết luận bé có cần tiêm uốn ván và huyết thanh kháng bệnh hay không. Một việc không được quên đó là cần phải theo dõi vật nuôi xem trong vòng 10 ngày chúng có biểu hiện bệnh dại hay không. Trẻ lớn hơn, cha mẹ cần nói chuyện, phân tích cho bé hiểu nguy cơ từ việc tiếp xúc với vật nuôi. Cha mẹ không được để bé một mình với vật nuôi, không cho bé tiếp xúc với vật nuôi lạ, chạy rông ngoài đường.