Giấm táo từ xưa tới nay đã được biết là loại giấm thơm ngon trong các loại giấm. Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học BMJ Nutrition còn cho thấy giấm táo có tác dụng cải thiện mức đường huyết, cholesterol, chất béo trung tính và giảm cân.
Nghiên cứu này thực hiện trên 120 thanh thiếu niên và thanh niên bị béo phì hoặc thừa cân. Những người tham gia được chỉ định ngẫu nhiên uống giấm táo theo các liều lượng 5, 10, 15 ml hoặc axit lactic làm đối chứng - bằng cách pha trong 1 ly nước (240 ml) uống mỗi ngày trong 12 tuần, vào buổi sáng lúc bụng đói.
Những người này cũng ghi lại những gì họ đã ăn và những hoạt động thể chất của bản thân. Họ được đo chiều cao, cân nặng, vòng eo và lượng mỡ trong cơ thể vào lúc bắt đầu nghiên cứu và sau 4, 8, 12 tuần. Họ cũng được thu thập mẫu máu để đo mức đường huyết, cholesterol và chất béo trung tính.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người uống 1 muỗng canh giấm táo pha với nước mỗi ngày đã cải thiện mức đường huyết, chất béo trung tính và cholesterol trong máu.
Mức đường huyết của họ đã giảm ở tuần 4, 8 và 12 sau khi uống, còn cholesterol và chất béo trung tính đã giảm ở tuần 8 và 12. Đặc biệt, những người dùng liều 15 ml giấm táo (1 muỗng canh) trong 12 tuần là hiệu quả tốt nhất để giảm các chỉ số trên, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Đồng thời, những người tham gia nghiên cứu cũng giảm cân, chỉ số khối cơ thể (BMI) và vòng eo ở tuần 4, 8 và 12 sau khi uống.
Hiệu quả giảm cân cũng đạt được lớn nhất ở mức 10 - 15 ml giấm táo mỗi ngày, với mức giảm gần 7 kg trong 12 tuần.
Ngược lại, nhóm dùng giả dược chỉ giảm chưa đến 0,5 kg trong 12 tuần và không cải thiện nhiều về các chỉ số mỡ máu và đường huyết. Hơn nữa trong hai nhóm thì hoạt động thể chất là tương đương nhau. Do đó các nhà khoa học kết luận những thay đổi cân nặng, cholesterol, đường huyết đó là đến từ việc uống giấm táo.
Giấm táo, được làm từ nước táo lên men, chứa axit axetic và các hợp chất polyphenol có thể có lợi cho sức khỏe. Các tác giả nghiên cứu cho biết uống giấm táo trước bữa ăn cũng có thể có tác động tích cực đến độ nhạy insulin.
Lưu ý khi uống giấm táo để không gặp tác dụng phụ.
Bạn tuyệt đối không được uống giấm táo nguyên chất. Cần phải pha loãng 1 muỗng canh giấm táo trong 1 ly nước (240 ml) trước khi uống.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo không nên uống giấm táo nếu đang dùng thuốc tim hoặc thận vì có thể gây tương tác thuốc không tốt cho cơ thể.
Người bệnh thận mạn tính có thể gặp khó khăn trong việc xử lý lượng axit dư thừa khi sử dụng giấm táo.
Uống nhiều giấm táo cũng có thể tương tác với các loại thuốc như digoxin, insulin, thuốc trị tiểu đường và thuốc lợi tiểu, theo Healthline.
Những người bị dị ứng với táo hoặc pectin - chất xơ trong táo, cũng không nên dùng giấm táo.
Nên trao đổi với bác sĩ, chuyên gia nếu gặp bất kỳ tác dụng không mong muốn nào sau khi dùng giấm táo.