Mùa hè là thời điểm mít chín rộ. Khi ăn mít, nhiều người chỉ dùng phần múi, có nơi ăn cả sơ mít nhưng ít ai giữ lại hạt. Thực tế thì hạt mít hoàn toàn ăn được. Nó được bày bán với giá khá đắt đỏ tại Nhật Bản, thậm chí còn được đóng gói trong bao bì, đưa lên kệ những siêu thị lớn. Giá bán hạt mít tại Nhật Bản là khoảng 200.000 đồng/kg và lượng người mua tương đối lớn.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về công nghệ thực phẩm, có 3 lý do để người Nhật ưa chuộng hạt mít:
- Quá trình vận chuyển hạt mít sẽ ít bị hư hỏng hơn là vận chuyển quá mít chín, thậm chí là quả mít xanh.
- Hạt mít được bao bọc bởi 2-3 lớp nên rất an toàn và không bị nhiễm bất kể hóa chất nào. Còn phần múi mít vẫn có nguy cơ bị tiêm thuốc kích thích, kích chín.
- Hạt mít có giá trị dinh dưỡng cao. Chúng chứa ít đường hơn múi mít, ít chất béo nhưng lại giàu các vitamin và khoáng chất.
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết hạt mít từng được dùng để chống đói trong thời kỳ kinh tế khó khăn nhưng ngày nay không còn được coi trọng.
Trong y học cổ truyền, hạt mít có vị ngọt, tính bình, có mùi thơm, giúp tu dưỡng ích khí, thông sữa. Y học hiện đại đã chứng minh hạt mít chứa nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C và E, carotenoid và các polyphenol. Chúng giúp ngăn chặn sự tàn phá tế bào do gốc tự do gây ra, giúp bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật và quá trình lão hóa.
Hạt mít cũng chứa lượng protein nhất định (100g hạt mít có 7g protein). Đặc biệt hạt mít có lượng chất xơ phong phú giúp cải thiện chuyển hóa chất béo, duy trì sự cân bằng đường huyết và tăng cường chức năng tiêu hóa.
Hạt mít giúp hỗ trợ điều trị rối loạn tiêu hóa, làm đẹp da hoặc giảm cân. Ăn hạt mít có thể làm giảm nếp nhăn, giúp da mặt tươi tắn mịn màng hơn, duy trì độ ẩm cho da, ngừa mụn nhờ protein và các chất dinh dưỡng khác. Lượng vitamin A dồi dào trong hạt mít giúp mắt sáng khỏe, ngăn chặn các bệnh về mắt như khó nhìn ban đêm.
Bên cạnh đó, hạt mít cũng có tác dụng tốt cho người bí trung tiện, đầy hơi, chướng bụng,… Nhưng bạn không nên ăn quá nhiều hạt mít vì có thể phản tác dụng, thậm chí gây nên tình trạng xì hơi khó kiểm soát.