Trà thảo mộc từ hoa cúc phơi khô đã được sử dụng hàng thế kỷ và đến nay vẫn được ưa chuộng nhờ hương thơm đặc trưng cùng nhiều lợi ích sức khỏe. Theo Đông y, hoa cúc có vị ngọt, cay, tác động đến phổi, gan và thận, giúp dưỡng âm, ích can, tán phong thấp, thanh đầu mục và giảm nhiệt.
Theo các nghiên cứu y học hiện đại, trà hoa cúc chứa nhiều chất chống oxy hóa và không có caffeine, giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính như bệnh tim và ung thư, đồng thời hỗ trợ tiêu hóa và cải thiện giấc ngủ. Dưới đây là những công dụng cụ thể của trà hoa cúc:
Cải thiện chất lượng giấc ngủ
Hoa cúc chứa chất chống oxy hóa apigenin, có khả năng liên kết với một số thụ thể trong não, giúp bạn vào giấc ngủ nhanh và dễ dàng hơn, đồng thời giảm chứng mất ngủ.
Theo một nghiên cứu, những người uống trà hoa cúc hai lần mỗi ngày trong 28 ngày liên tiếp có thể giảm 1/3 thời gian tỉnh giấc vào ban đêm và ngủ nhanh hơn 15 phút so với những người không uống.
Một nghiên cứu khác trên phụ nữ sau sinh cho thấy nhóm uống trà hoa cúc trong 2 tuần có chất lượng giấc ngủ tốt hơn và ít triệu chứng trầm cảm hơn so với nhóm không sử dụng.
Kiểm soát đường huyết
Hoa cúc có đặc tính chống viêm và giảm căng thẳng oxy hóa, giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào tuyến tụy khi lượng đường trong máu tăng cao. Trà hoa cúc có thể làm giảm lượng đường trong máu lúc đói và ngăn chặn các đợt tăng đường huyết đột ngột sau khi ăn.
Một nghiên cứu trên người mắc bệnh tiểu đường cho thấy, những người uống trà hoa cúc hàng ngày trong bữa ăn suốt khoảng 8 tuần có mức đường huyết trung bình thấp hơn rõ rệt so với những người chỉ uống nước lọc.
Những ai muốn kiểm soát đường huyết nên cân nhắc sử dụng trà hoa cúc như một thức uống bổ sung có lợi cho sức khỏe, nhưng không nên thay thế thuốc điều trị tiểu đường.
Cải thiện sức khỏe tiêu hóa
Một bài đánh giá năm 2022 trên tạp chí Life đã đề cập đến các lợi ích của trà hoa cúc đối với sức khỏe tiêu hóa nhờ vào khả năng chống viêm của nó. Những lợi ích này bao gồm: giảm buồn nôn, giảm đầy hơi, làm dịu các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản, giảm viêm, chống co thắt và giảm co thắt dạ dày gây tiêu chảy.
Uống trà hoa cúc sau các bữa ăn nhiều đạm thực vật và dầu mỡ cũng có thể hỗ trợ tiêu hóa hiệu quả hơn.
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Trà hoa cúc giàu chất chống oxy hóa flavones, đã được chứng minh có khả năng giảm huyết áp và mức cholesterol. Nghiên cứu cho thấy việc uống trà hoa cúc có thể cải thiện đáng kể mức cholesterol và chất béo trung tính, từ đó tăng cường sức khỏe tim mạch.
Ngăn ngừa ung thư
Các chất chống oxy hóa trong trà hoa cúc có thể giúp giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư như ung thư vú, ung thư đường tiêu hóa, ung thư da, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư tử cung.
Tăng cường hệ miễn dịch
Trà hoa cúc thường được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị cảm lạnh, đồng thời giúp làm dịu cơn đau họng.
Ngoài những lợi ích trên, trà hoa cúc cũng có thể giúp cải thiện triệu chứng trầm cảm, giảm đau bụng trong kỳ kinh nguyệt, cải thiện tình trạng viêm loét miệng và suy giảm thị lực.
Hướng dẫn sử dụng trà hoa cúc một cách an toàn và hiệu quả
Liều lượng sử dụng hàng ngày nên duy trì ở mức 10-15g hoa cúc. Trà hoa cúc nên được uống khi còn nóng hoặc ấm và không nên để qua đêm để tránh mất đi giá trị dinh dưỡng. Thời điểm tốt nhất để uống trà hoa cúc là sau bữa ăn 30 phút hoặc từ 1-2 giờ trước khi đi ngủ để tránh bị thức giấc vào ban đêm.
Không nên sử dụng trà hoa cúc liên tục trong thời gian dài, vì điều này có thể gây tích tụ khí hàn trong cơ thể, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của lá lách và dạ dày, dẫn đến tiêu chảy. Những người có tiền sử dị ứng, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, và người có huyết áp thấp không nên sử dụng trà hoa cúc. Ngoài ra, trà hoa cúc có thể tương tác với thuốc làm loãng máu, vì vậy cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu đang trong quá trình điều trị bệnh.