Cần tây
Giữ lại phần rễ cần tây từ 5 đến 7cm và ngâm trong bát nước ấm, không ngâm ngập rễ, phần mặt cắt hướng lên trên. Khi phần lá bắt đầu nhú lên thì chuyển qua trồng trong chậu hoặc vườn rồi chăm sóc như bình thường.
Ngải cứu
Cây vừa được sử dụng làm thuốc vừa để chế biến các món ăn như trứng ngải cứu, gà tần, hấp chung với cá. Cây có thể trồng bằng cành hoặc hạt. Cây mọc rất nhanh, có thể um tùm cả thùng xốp sau 1-2 tháng.
Xà lách
Thay vì vứt b ỏ phần gốc xà lách, bạn có thể tận dụng chúng để trồng lại. Chỉ cần ngâm trong bát nước ngập nửa cây khoảng 3-5 ngày, gốc xà lách sẽ mọc rễ và lên lá non.
Sau đó, bạn có thể trồng gốc trong đất. Chỉ cần đặt nơi có đủ ánh sáng mặt trời, thoáng mát, cây sẽ phát triển tốt không cần phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật. Phương pháp này cũng có thể áp dụng cho bắp cải.
Lá lốt
Loại lá này xuất hiện trong nhiều món ăn như chả cuốn, ếch, ốc om chuối đậu, cuốn tôm. Lá còn có thể dùng nấu nước ngâm chân cho người lớn tuổi. Lá lốt là loại cây ưa bóng mát, độ ẩm nên vào dịp mưa nhiều, cây lên xanh mơn mởn. Trong khi đó, vào mùa nắng gắt, cây dễ bị cháy lá nếu tiếp xúc với nắng gắt kéo dài.
Rau ngót Nhật
Giống cây mới này được các chị em trồng nhiều trong vài năm gần đây. Cây có thể nấu canh, xào ăn vị gần giống với mồng tơi. Dù không phải cây bản địa của Việt Nam nhưng ngót Nhật lại rất dễ trồng, có thể giâm cành. Cây ít sâu bệnh và xanh tốt trong cả thời tiết giá rét.
Diếp cá
Món rau ăn kèm có mùi tanh đặc trưng khiến nhiều người không quen nhưng cũng có rất nhiều người ưa thích. Rau còn được xay để uống nước, sử dụng làm thuốc. Cây mọc lan nhanh ở các khu vực ẩm ướt, không cần bón phân, bắt sâu bọ.
Hành lá
Bạn có thể giữ lại phần rễ và khoảng 4 cm phần thân, ngâm chúng vào một chiếc lọ hoặc cốc thủy tinh ngập nước tới 2/3 cây.
Để ở chỗ có ánh sáng, sau vài ngày, thân hành sẽ mọc lại lá xanh. Khi cần dùng để nấu ăn, bạn có thể cắt phần ngọn và để lại phần gốc trong nước. Nếu muốn cây đẻ nhánh và lớn nhanh, bạn nên đem gốc trồng ở đất.