Mâm ngũ quả Tết Giáp Thìn 2024 cứ bày theo cách này: Đúng phong thủy, hút tài lộc

19:00, Thứ năm 08/02/2024

( PHUNUTODAY ) - Mâm ngũ quả thường gồm năm loại hoa quả khác nhau được bày biện trên ban thờ tổ tiên vào dịp Tết Nguyên Đán.

Mâm ngũ quả bày trên bàn thờ ngày Tết không chỉ khiến không khí Tết lan tỏa khắp nơi mà còn mang nhiều ý nghĩa văn hóa, tâm linh. Từng vùng miền, địa phương có cách trang trí mâm ngũ quả riêng nhưng đều thể hiện mong muốn của gia chủ trong năm mới.

Mâm ngũ quả thường gồm năm loại hoa quả khác nhau được bày biện trên ban thờ tổ tiên vào dịp Tết Nguyên Đán. Những loại quả được chọn trưng bày thường thể hiện ước nguyện của gia chủ thông qua tên gọi và màu sắc của chúng.

mam-ngu-qua

Số năm tượng trưng cho mong muốn đạt được ngũ phúc lâm môn - phú, quý, thọ, khang, ninh.

Trong Phật giáo, năm màu sắc của mâm ngũ quả tượng trưng cho ngũ thiện căn gồm tín căn (lòng tin), tấn căn (ý chí kiên trì), niệm căn (ghi nhớ), định căn (tâm không loạn), huệ căn (sáng suốt). Vì thế, các loại hoa quả được chưng trên mâm ngũ quả dịp Tết cũng mang những ý nghĩa nhất định.

Đối với người dân miền Bắc, một mâm ngũ quả đẹp, chuẩn phải là một mâm ngũ quả có đầy đủ các loại trái cây như chuối xanh, bưởi, phật thủ, sung, hồng, quất cảnh, ớt, dứa... với màu sắc rực rỡ nhưng phải hài hòa, đảm bảo đúng theo ngũ hành.

Chuối trong mâm ngũ quả được bày theo nải, phải là chuối xanh, tượng trưng cho sự quần tụ, sum vầy, đầm ấm. Bưởi có màu vàng, tượng trưng cho sự giàu sang, may mắn.

hinh-anh-mam-ngu-qua-ngay-tet-dep

Có thể thay bưởi bằng quả phật thủ bởi dân gian quan niệm loại quả này có tác dụng lưu giữ thần, Phật và gia tiên lưu lại trong nhà lâu hơn để phù hộ cho gia chủ.

Quất cảnh, hồng hay ớt đỏ được tô điểm xung quanh mâm ngũ quả vì có màu đỏ, vàng rực rỡ, vô cùng đẹp mắt - biểu tượng cho sự may mắn, thành đạt. Dứa có mùi thơm đặc trưng thường dùng để thể hiện mong ước về một năm mới an lành, nhiều phúc lộc.

Người miền Bắc thường bày mâm ngũ quả kiểu truyền thống là đặt nải chuối xanh ở dưới cùng để đỡ lấy toàn bộ các loại quả còn lại, chính giữa đặt bưởi, phật thủ hoặc là mãng cầu, các loại quả khác như đào, hồng, quýt, táo thì đặt ở xung quanh, ở chỗ trống thì có thể xen kẽ ớt, quất.

Mâm ngũ quả ở miền Trung đơn giản, không câu nệ hình thức. Các loại trái cây thường thấy trong mâm ngũ quả của người miền Trung là thanh long, chuối, dưa hấu, mãng cầu, dứa, cam, quýt...

Ở miền Nam, gia chủ thường bày mâm ngũ quả theo mong muốn Cầu sung vừa đủ xàinhằm mong ước một năm mới đủ đầy, sung túc. Với mong muốn này, người dân miền Nam sẽ lựa chọn năm loại quả: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài.

Bên cạnh đó, người miền Nam không thờ cúng một số loại trái cây có cách phát âm mang ý nghĩa không tốt như chuối (chúi nhủi ám chỉ công việc, làm ăn không phất lên được), lê (lê lết, đổ bể, dễ thất bại)....

Đồng thời, dân gian truyền nhau cần tránh những loại quả nặng mùi như sầu riêng, mít... Bởi khu vực thờ cúng phải linh thiêng, thanh tịnh nên các loại trái cây được chọn chỉ nên có hương thơm dịu, thoang thoảng.

ngu-qua

Những điều cần biết khi bày mâm ngũ quả

Để có được mâm ngũ quả tươm tất, đủ đầy, bạn cần lưu ý những điều dưới đây.

Mâm ngũ quả ngày Tết gồm những gì?

Tùy vào từng vùng miền, địa phương, gia chủ sẽ chọn lựa 5 loại trái cây với 5 sắc màu khác nhau để trưng bày trên bàn thờ tổ tiên hoặc để ở ngoài phòng tiếp khách.

Khi chọn trái cây để bày lên mâm ngũ quả, bạn nên chọn những quả chín vừa tới hoặc quả ương, chọn quả chắc tay, không trầy xước, còn cuống xanh. Để có một mâm ngũ quả đẹp, bạn nên mua các quả có màu sắc rực rỡ và tươi mới.

Những điều kiêng kỵ khi xếp mâm ngũ quả ngày Tết

Người miền Nam thường kiêng cúng táo, lê, chuối… vì theo họ đây là những loại quả mang ý nghĩa không tốt cho công danh sự nghiệp

Không chọn những quả chín quá vì rất dễ hư hỏng - điềm không may trong năm mới

Bạn cần chuẩn bị mâm ngũ quả trước đêm 30 Tết

Không sử dụng trái cây giả trong mâm ngũ quả

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Vũ Ngọc
Từ khóa: Mâm ngũ quả tết