Phân biệt giò có chứa hàn the
Giò có hàn the ăn xong sẽ có vị chát ở đầu lưỡi. Ảnh minh họa. |
Trước đây, khi làm bài về vệ sinh an toàn thực phẩm, tôi được nghe một người buôn bán giò chả khẳng định rằng: “Gần như 100% người làm giò chả đều cho hàn the. Bởi, giò mà không có hàn the sẽ không có độ giòn, dai, nhanh ôi thiu. Hơn nữa, nếu có cho hàn the thì khách cũng khó lòng mà phân biệt được”.
Tuy nhiên, với "con mắt trong nghề", anh bạn này bật mí, có một cách nhỏ để phân biệt giò, chả có hàn the là giò chả có chứa hàn the, khi ăn thì rất dai và dòn, nhưng khi vừa ăn xong thì sẽ có vị hơi chát ở đầu lưỡi, tuy nhiên để phát hiện ra được điều này hơi khó. Có một cách khác đơn giản hơn bạn có thể áp dụng như sau: Đặc tính hàn the là một chất có môi trường kiềm, ta dùng giấy tẩm nghệ hay có thể tự làm giấy nghệ để phát hiện nhanh hàn the, giã nghệ lấy nước, sau đó lấy giấy mỏng thấm nước nghệ đó và để khô, khi sử dụng chỉ cần lấy mẩu giấy đó ốp vào bề mặt giò chả, nếu giấy nghệ chuyển từ màu vàng sang màu cam hoặc đỏ tức là giò chả đó có chứa hàn the.
Bún chứa huỳnh quang
Trong thời gian qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm nhiều tỉnh trên cả nước liên tiếp phát hiện nhiều cơ sở sử dụng chất Tinopal – chất huỳnh quang gây độc cho sức khỏe trong sản xuất bún, bánh phở, bánh canh tươi. Điều này khiến nhiều chị em nội trợ hoang mang lo lắng bởi bún, phở, bánh canh tươi là những thực phẩm thường xuyên được sử dụng trong món ăn của người Việt. Trong khi đó, ảnh hưởng sớm nhất của chất huỳnh quang đối với sức khỏe con người là tác động đến đường tiêu hóa, niêm mạc ruột gây chậm tiêu, có thể gây viêm loét ruột, dạ dày. Nếu bị nhiễm kéo dài có nguy cơ gây rối loạn quá trình sinh tổng hợp của tế bào ruột, gan, thận và có nguy cơ bị ung thư.
Bún chứa huỳnh quang rất độc hại, tuy nhiên, cách phân biệt bún sạch và bún “bẩn” không khó, chỉ cần chị em tinh ý một chút khi mua sản phẩm. Theo đó, nếu thấy bún trắng sáng, dai, để từ sáng tới tối ở điều kiện bình thường mà không thiu thì chắc chắn có hóa chất bảo quản. Ngoài ra, chị em cũng nên lựa chọn, mua sản phẩm bún, bánh tươi có nguồn gốc rõ ràng của cơ sở sản xuất, kinh doanh đã được cơ quan chức năng chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Cách chọn gà an toàn
Sau thịt lợn, thịt gà là món ăn phổ biến được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, chọn mua được thịt gà ngon, đảm bảo chẳng hề dễ. Bởi, để “móc túi” người mua, không ít người bán hàng sẵn sàng bơm nước cho gà nặng cân, nhuộm hóa chất để gà bắt mắt, thậm chí, gà thải loại, gà bệnh cũng rao bán. Nếu không tinh ý, người tiêu dùng rất dễ bị đánh lừa, vừa mất tiền lại vừa mang tật bệnh vào người.
Theo các chuyên gia, để chọn gà sạch, ta cần quan sát thấy kỹ. Nếu thấy da gà có màu vàng mà lớp mỡ bên trong trắng thì đó là gà được nhuộm hoá chất. Da gà ta thường mỏng, mịn, độ đàn hồi cao. Chọn thịt gà trông phải tươi, không có mùi hôi hoặc mùi kháng sinh, trên da không có vết bầm tím hoặc tụ máu. Không chọn những con gà đen sạm vì đó là gà đã chết trước khi thịt.
Ngoài ra, để tránh mua phải gà bơm nước, hãy dùng tay ấn vào vị trí bị nghi là bơm nước (chủ yếu là đùi, lườn) để kiểm tra, nếu thấy nhão, trơn hoặc biến dạng thì nên tránh, không mua nữa. Nếu mua gà sống, gà phải trông khoẻ mạnh, nhanh nhẹn. Mào gà phải đỏ tươi, mắt nhìn linh hoạt, không lờ đờ. Lông bóng mượt, áp sát thân. Mỏ gà bén nhọn, không có hiện tượng chảy nhớt ở mỏ. Chân gà thẳng, thon nhỏ; da chân vàng đều và sáng bóng. Vạch lông xem thấy da gà mỏng, mềm mại, bóng; có một số vệt vàng lớn dưới ức, cánh.
Qua lớp da có thể nhìn thấy thịt, tia máu ở phần nách, dưới cánh vì da không có mỡ. Hậu môn hồng hào, nhấp nháy, co bóp tốt, không có hiện tượng ướt, ra nước hoặc phân ra bất thường. Lật cánh kiểm tra kỹ dưới nách, nếu gà bị tiêm bơm nước sẽ có một chấm đỏ nhỏ. Xung quanh vết bơm nước phồng lên và có màu đen, để một thời gian màu đen sẽ phát tán rộng ra.
Mẹo chọn thịt lợn đảm bảo
Mô tả ảnh. |
Trong những bữa ăn thường ngày, thịt lợn vẫn được xem là món ăn phổ biến nhất của người Việt. Tuy nhiên, trong thời gian qua, không ít những ca cấp cứu do ăn phải lợn nhiễm độc, lợn bệnh, thậm chí lợn chết. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia để chọn thịt lợn tươi, ngon có tiêu chuẩn thì cần đảm bảo màng ngoài của miếng thịt phải khô, không bị nhớt, không có mùi mùi và màu sắc bình thường, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, ngón tay ấn vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra. Các thớ thịt đều. Nếu thịt sử dụng nhiều chất kích thích tăng trọng thường tích nhiều nước, thịt có độ săn chắc kém. Khi nhìn thấy miếng thịt có sắc đỏ khác thường, lớp nạc dính xuống da, bắp vai, bắp đùi có lượng thịt phát triển bất thường, có nhiều cục nạc u lên thì người tiêu dùng nên cẩn trọng.
Ngoài ra, các bà nội trợ cũng cần lưu ý không nên mua thịt, mỡ có màu vàng (có thể lợn bị bệnh sắc tố; thịt lợn gạo (lợn bị nhiễm ký sinh trùng)... Những biểu hiện của lợn bị bơm nước là đường cắt bị rỉ nước nhiều, cơ dãn, thịt tái màu.
Chọn rau, quả không hóa chất
Cần chú ý để chọn được rau ngon. |
Người tiêu dùng không còn lạ gì những cụm từ “rau kích phọt”, “rau bị phun thuốc trừ sâu”, “rau có thuốc tăng trưởng”… Tuy nhiên, rau quả lại là món ăn không thể thiếu trong bữa ăn của mọi nhà. Để mua rau sạch, người tiêu dùng cần lưu ý không mua rau đã héo úa, dập nát hay có dấu hiệu bất thường như quá mập, quá phồng, có mùi lạ hoặc dính các hạt bụi nhỏ. Khi sử dụng, cần nhặt riêng lá và cọng rau, ngâm trong nước sạch 15-20 phút, sau đó, rửa trôi 2-3 lần trước vòi nước chảy hoặc trong chậu nước đầy. Đối với các loại rau củ, trái cây để nguyên củ, rửa sạch trước khi gọt vỏ.