Mỹ - Nga "ăn miếng trả miếng", cảnh báo nguy cơ tái diễn chiến tranh

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố thêm những biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Moscow, Nga đã đáp lại bằng một lệnh trừng phạt nhằm vào Nhà Trắng và thượng viện Mỹ.

Trừng phạt và... trừng phạt

Diễn biến leo thang mới trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine đã được ghi nhận vào ngày hôm qua (20/3), khi Nga ban lệnh cấm visa đối với 9 người Mỹ là các nhà làm luật và quan chức của nước này.

Mô tả ảnh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Mỹ Barack Obama.

Bộ Ngoại giao Nga công bố danh sách trừng phạt, bao gồm Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Harry Reid, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ đối ngoại thuộc Thượng viện Robert Menendez, ba thượng nghị sỹ John McCain, Mary Landrieu và Dan Coats, và ba nhân viên Nhà Trắng Dan Pfeiffer, Ben Rhodes, và Caroline Atkinson.

“Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo rằng, các lệnh trừng phạt là một công cụ hai lưỡi và sẽ tác động tới nước Mỹ như một chiếc boomerang”, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố. “Không còn nghi ngờ gì nữa: Chúng tôi sẽ đáp trả đầy đủ mọi đòn thù”.

Động thái trên của Moscow được đưa ra chỉ vài phút sau khi Tổng thống Barack Obama ký lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga trong một phản ứng trước việc nước này chiếm Crimea. 

Ông Obama tuyên bố, lệnh trừng phạt mới có mục tiêu là ngân hàng Bank Rossiya, vốn được xem là nguồn cung cấp vật chất cho giới lãnh đạo Nga, và 20 cá nhân có liên quan tới việc Crimea gia nhập Nga. Trong số này có tỷ phú Gennady Timchenko, Chủ tịch hãng dầu lửa Gunvor và tỷ phú Vladimir Yakunin, Chủ tịch tập đoàn đường sắt OAO Russian Railways.

“Ngoại giao giữa Mỹ và Nga vẫn tiếp tục. Chúng tôi nhấn mạnh rằng, nước Nga vẫn có một lối khác để đi”, ông Obama nói. “Chúng tôi muốn người dân Ukraine tự quyết định số phận của họ và có quan hệ tốt với Mỹ, Nga, châu Âu, và bất kỳ ai mà họ chọn”.

Trước khi bổ sung trừng phạt vào hôm qua, Mỹ đã cấm visa và đóng băng tài sản đối với một loạt quan chức của Nga và Ukraine vì vai trò trong cuộc khủng hoảng ở Crimea. Liên minh châu Âu cũng áp dụng trừng phạt tương tự với 21 quan chức Nga và Ukraine.

Hãng tin CNBC cho biết, trong một cuộc điện đàm vào hôm qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói với người đồng cấp Mỹ John Kerry rằng: “Quyết định thống nhất Crimea vào Nga là phản ánh ý nguyện của đại đa số người dân Crimea, không phải là chủ đề cần được đem ra xem xét và phải được tôn trọng”.

Chủ tịch EP cảnh báo chiến tranh sẽ tái diễn ở châu Âu

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang như vậy, ngày 20/3, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz đã cảnh báo nguy cơ chiến tranh trở lại với châu Âu, theo mạng tin N24 của Đức.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, ông Schulz nói: "Tất cả những ai nghĩ rằng chiến tranh hay nguy cơ chiến tranh không còn là vấn đề thì hãy tỉnh ngộ... Với những gì đang diễn ra, chúng tôi nói về nguy cơ của một cuộc xung đột vũ trang."

Theo nhà chính trị của đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) này, biện pháp "rất hung bạo" của Nga khi sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào nước này thể hiện một "chiều hướng mới."

Ông cho rằng "tham vọng" của Nga không chỉ giới hạn ở Crimea và do vậy "phải đáp trả bất kỳ bước đi mới nào của Chính phủ Nga bằng những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn," thậm chí dẫn tới một cuộc đối đầu kinh tế lớn giữa Nga với Phương Tây.

Mô tả ảnh.
Những người đàn ông vũ trang, được cho là binh lính Nga, xuất hiện gần căn cứ quân sự ở Perevalnoye, lân cận thành phố Simferopol, hôm 20/3. (Ảnh: REUTERS)

Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia, quyết định sáp nhập Crimea chớp nhoáng của Nga sẽ không chỉ thay đổi cục diện địa chính trị tại châu Âu, mà còn có thể kết thúc mối quan hệ vừa hợp tác vừa đấu tranh giữa Nga và Mỹ trong 25 năm sau Chiến tranh Lạnh. Thậm chí là mở ra một cuộc chiến tranh Lạnh mới.

"Đây là một trận động đất, và không chỉ là cơn địa chấn nhỏ cấp 4", New York Times dẫn lời nhà nghiên cứu các vấn đề Nga Toby Gati, thuộc công ty luật Akin Gump. Gati từng là quan chức dưới thời cựu tổng thống Bill Clinton.

Bà Gati cho rằng cuộc xung đột lần này có lẽ không đến mức khiến các bên quay trở lại trạng thái thời Chiến tranh Lạnh, nhưng chắc chắn sẽ phá vỡ hình thái quan hệ được xác lập từ năm 1989.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn
TIN MỚI CẬP NHẬT