Điều kiện và tuổi nghỉ hưu 2024
Căn cứ Khoản 1 Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP, quy định về tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường được đề cập đến như sau:
Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường theo Khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động được quy định cụ thể như sau:
1. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Như vậy, theo quy định, tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ tăng dần theo từng năm, tính từ năm 2021. Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cụ thể là:
- Tuổi nghỉ hưu với lao động nam ở điều kiện bình thường năm 2024 là 61 tuổi; năm 2025 là 61 tuổi 3 tháng; năm 2026 là 61 tuổi 6 tháng; năm 2027 là 61 tuổi 9 tháng; từ năm 2028 trở đi là 62 tuổi.
- Tuổi nghỉ hưu với lao động nữ ở điều kiện bình thường năm 2024 là 56 tuổi 4 tháng; năm 2025 là 56 tuổi 8 tháng; năm 2026 là 57 tuổi; năm 2027 là 57 tuổi 4 tháng; năm 2028 là 57 tuổi 8 tháng; năm 2029 là 58 tuổi; năm 2030 là 58 tuổi 4 tháng; năm 2031 là 58 tuổi 8 tháng; năm 2032 là 59 tuổi; năm 2033 là 59 tuổi 4 tháng; năm 2034 là 59 tuổi 8 tháng; từ năm 2035 trở đi là 60 tuổi.
Theo quy định đã nêu ở trên, tuổi nghỉ hưu của người lao động năm 2024 là 61 tuổi với lao động nam và 56 tuổi 4 tháng với lao động nữ.
So với năm 2023, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường đã tăng lên vì vậy điều kiện hưởng lương hưu cũng có sự thay đổi. Theo đó, từ năm 2024, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong điều kiện lao động bình thường được hưởng lương hưu nếu khi nghỉ việc đủ 61 tuổi đối với lao động nam, đủ 56 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên và
Thời điểm nghỉ hưu là kết thúc ngày cuối cùng của tháng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định (căn cứ Điều 3 Nghị định 135/2020/NĐ-CP). Người lao động tiếp tục làm việc sau khi đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì thời điểm nghỉ hưu là thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
Lưu ý, theo khoản 3 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, khoản 2 Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, Điều 16 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, Điều 17 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, khi người lao động nghỉ hưu trước tuổi quy định thì cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%. Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ 06 tháng trở lên thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.
Tiền lương hưu năm 2024
Thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 từ 1/7/2024. Cùng với việc cải cách tiền lương, nghị quyết của Quốc hội còn nêu rõ về việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Theo quy định, lương hưu được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội và tiền lương đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng. Khi cải cách tiền lương, nếu tăng mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội lương hưu của công chức, viên chức thuộc diện được tăng tiền lương cũng sẽ tăng theo. Căn cứ Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định bằng mức lương cơ sở.
Như vậy, khhi cải cách tiền lương, bỏ tiền lương cơ sở sẽ dẫn đến sự thay đổi về mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động.