Một số loại trái cây dù giàu dinh dưỡng nhưng lại chứa lượng kali, phốt pho hoặc oxalat rất cao. Đối với người có thận khỏe mạnh, cơ thể có thể dễ dàng đào thải lượng kali dư thừa qua nước tiểu.
Nhưng đối với người mắc bệnh thận, khả năng này sẽ bị suy giảm, khiến lượng kali tích tụ trong máu dẫn đến tình trạng tăng kali máu - một trong những nguyên nhân chính gây rối loạn nhịp tim và tăng nguy cơ tử vong.
Dưới đây là 8 loại trái cây người bị bệnh thận nên hạn chế:
1. Người bị bệnh thận nên hạn chế ăn chuối
Chuối là loại trái cây giàu năng lượng, cung cấp nhiều vitamin B6, vitamin C và chất xơ. Tuy nhiên, hàm lượng kali trong chuối rất cao, khoảng 422 mg kali trong một quả chuối cỡ trung bình (118g).
Khi ăn chuối, lượng kali trong máu sẽ tăng lên nhanh chóng, làm tăng nguy cơ tăng kali máu, dẫn đến các triệu chứng như tê bì chân tay, nhịp tim không ổn định, thậm chí có thể dẫn đến ngừng tim nếu kali máu tăng quá mức.

2. Người bị bệnh thận nên hạn chế ăn cam quýt
Cam quýt là loại trái cây có múi quen thuộc, giàu vitamin C và chất chống oxy hóa, tốt cho sức khỏe miễn dịch.
Tuy nhiên, họ trái cây này lại chứa hàm lượng kali khá cao, khoảng 237 mg kali trong một quả cam/ quýt cỡ trung bình. Đặc biệt, nước cam có hàm lượng kali cao hơn, lên đến 500 mg kali trong một ly nước cam 250 ml.
Người mắc bệnh thận nên tránh uống nước cam và chỉ nên ăn cam với số lượng nhỏ, khoảng 1 - 2 múi/ lần, không quá 1 lần/tuần.
3. Người bị bệnh thận nên hạn chế ăn dưa hấu
Dưa hấu là loại trái cây giải nhiệt, chứa nhiều nước và giàu vitamin A, C. Tuy nhiên, 100g dưa hấu chứa khoảng 170 mg kali.
Khi ăn nhiều dưa hấu, lượng nước dư thừa trong cơ thể sẽ khiến thận phải hoạt động nhiều hơn để đào thải, dễ gây phù nề và tăng huyết áp. Hơn nữa, hàm lượng kali cao trong dưa hấu có thể làm tăng nguy cơ tăng kali máu.

4. Người bị bệnh thận nên hạn chế ăn Kiwi
Kiwi là loại trái cây chứa nhiều vitamin C, chất xơ và chất chống oxy hóa. Tuy nhiên, một quả kiwi cỡ trung bình chứa đến 312 mg kali và oxalat - là hợp chất làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
Người mắc bệnh thận nên tránh ăn kiwi hoặc chỉ ăn với lượng nhỏ khoảng 1/2 quả mỗi lần, không quá 1 lần/ tuần.
5. Người bị bệnh thận nên hạn chế ăn xoài
Xoài là loại trái cây nhiệt đới thơm ngon nhưng chứa hàm lượng kali cao, khoảng 257 mg kali trong một quả xoài nhỏ.
Bên cạnh đó, xoài cũng giàu đường tự nhiên, dễ làm tăng đường huyết, gây áp lực lên thận trong quá trình lọc máu.

6. Người bị bệnh thận nên hạn chế ăn lựu
Hạt lựu là nguồn cung cấp kali và phốt pho cao, với 236 mg kali trong 100g hạt lựu. Kali và phốt pho dư thừa có thể gây mất cân bằng điện giải, ảnh hưởng đến chức năng tim và thận. Người mắc bệnh thận nên hạn chế ăn lựu hoặc nước ép lựu.
7. Người bị bệnh thận nên hạn chế ăn đu đủ
Một quả đu đủ nhỏ (khoảng 100g) chứa khoảng 264 mg kali. Ăn đu đủ khi chức năng thận suy giảm sẽ làm tăng kali máu, gây tê bì chân tay và rối loạn nhịp tim.
Người mắc bệnh thận nên hạn chế ăn đu đủ, không quá 1 miếng nhỏ/lần.
8. Người bị bệnh thận nên hạn chế ăn sầu riêng
Sầu riêng là loại trái cây nhiệt đới có hàm lượng kali rất cao, lên tới 436mg kali trong 100g sầu riêng. Lượng phốt pho cao trong sầu riêng cũng làm tăng nguy cơ suy thận và rối loạn điện giải.