Theo đó anh Trần Văn Toàn, công nhân làm việc tại nhà máy xử lý rác Kabec đã báo cho Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin về thiết bị nghi là nguồn phóng xạ của công ty thép Pomina bị thất lạc đang được chôn ở bãi rác Tóc Tiên hồi tháng 7/2014.
Anh Trần Văn Toàn, báo ngành chức năng nhưng sau đó chôn vật thể nghi có nguồn phóng xạ Co-60.
Cụ thể, khoảng tháng 6, 7/2014, anh Toàn phát hiện thiết bị giống như nguồn phóng xạ bị thất lạc nhưng nghĩ đó là vật liệu nổ nên báo cho Công an xã Tóc Tiên.
"Lúc phát hiện vật lạ, chúng tôi nghi ngờ là kíp nổ của đạn pháo nên đã trình báo lên Công an xã Tóc Tiên. Hai anh công an đến và xác định đây không phải là nguồn nổ nên bàn giao lại cho bãi rác xử lý", anh Toàn cho hay.
Giữ thiết bị này ở phòng bảo vệ khoảng 10 ngày nhưng không thấy ai tới hỏi hay thu lại nên anh Toàn mang ra bãi chôn rác bỏ xuống. Theo thời gian thiết bị này bị chôn bên dưới hàng ngàn tấn rác sâu gần 10m.
Ngày 7/4 cơ quan chức năng đã sử dụng hai máy dò tìm ngay bãi rác mà anh Toàn chỉ đã chôn bên dưới. Sau hơn 30 phút dò tìm, thiết bị không phát hiện được tín hiệu của nguồn phóng xạ.
Một lãnh đạo Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, do thời gian phát hiện vật thể này lâu và đang chôn sâu dưới lớp rác nên máy không dò tìm được.
“Chúng tôi phải xác định thêm thông tin của anh Toàn. Nếu đúng thiết bị chứa nguồn phóng xạ nằm ở bãi rác này thì chúng tôi sẽ có thiết bị khác dò tìm cho bằng được”, lãnh đạo này nói.
Hiện UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp khẩn trương truy tìm nguồn phóng xạ bị mất, không để ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và môi trường. Theo đó, quy mô tìm kiếm sẽ mở rộng ra các tỉnh, thành phố lân cận là Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương.
Công tác tìm kiếm nguồn phóng xạ này được chia thành 3 nhóm, một nhóm rà tìm trong khu vực nhà máy thép Pomina 3; hai nhóm khác sẽ truy tìm tại các vựa ve chai trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hôm 6/4, có hàng chục vựa ve chai đã được rà tìm nhưng chưa phát hiện có chứa thiết bị này.
Cục An toàn bức xạ hạt nhân cũng đem máy móc hiện đại vào hỗ trợ công việc tìm kiếm nguồn phóng xạ bị mất.
Theo Sở KH-CN, thời gian bán rã của nguồn Co-60 là khoảng 5,3 năm. Sau khoảng thời gian này, hoạt động phóng xạ của nguồn bức xạ này giảm còn một nửa. Nghĩa là đến thời điểm này, hoạt độ phóng xạ của nguồn phóng xạ Co-.60 bị mất vẫn còn khoảng 2,33 mCi.
Do đó, nếu thiết bị chứa nguồn bị vỡ, nguồn chiếu xạ sẽ có suất liệu khoảng 2,5 mSv/h trong bán kính 10 cm trong khi liều chiếu xạ ở mức độ cho phép đối với một người bình thường trong 1 năm chỉ là 1 mSv.
Ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở kHCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hiện nay ngoài việc tuyên truyền trong khu dân cư, tích cực triển khai lực lượng dò tìm thiết bị chứa nguồn phóng xạ bị mất, Sở KH-CN cũng bố trí người trực thường xuyên để tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng.
Fukushima rò rỉ phóng xạ, VN chi 200 tỷ tuyên truyền ĐHN (Đời sống) - Ngày 6/4, đơn vị quản lý, vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản chuyển hàng tấn nước nhiễm xạ ở mức cao từ một bể chứa trong lòng đất sang chỗ khác, vì nước nhiễm xạ có khả năng đã rò rỉ. |