Thai nhi tuần thứ 27: Bé có thể nhấp nháy đôi mắt

( PHUNUTODAY ) - Ở tuần thứ 27, thai nhi có thể nhấp nháy đôi mắt. Cũng vào thời điểm này, mẹ bầu nên đi thăm khám thường xuyên để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con.

 Sự phát triển của thai nhi tuần 27

b1

 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Vào tuần thai thứ 27, bé lúc này nặng chừng 1kg và dài hơn 37cm từ đỉnh đầu đến gót chân. Bé có thể nhấp nháy đôi mắt và giờ đây mắt bé đã có lông mi. Với thị lực đã phát triển, thai nhi ngay trong bụng mẹ cũng có thể nhìn thấy ánh sáng mờ mờ qua thành tử cung của mẹ. Quá trình tích tụ mỡ dưới da của bé vẫn đang tiếp diễn và nếu được sinh ra ở thời điểm này trông bé sẽ rất mỏng manh với tứ chi dài. Bé cũng đang phát triển hàng tỷ tế bào thần kinh não và trong cơ thể tăng cường một khối lượng mỡ đáng kể để chuẩn bị cho cuộc sống ở thế giới bên ngoài.

Bé sẽ bắt đầu xoay trở nhiều nhất là từ tuần 26-30. Hiện tại vẫn còn nhiều khoảng trống cho sự xoay trở và đổi tư thế trước khi tử cung trở nên quá chật chội. Lưu ý, đường hô hấp của bé còn phải rất lâu mới hoàn chỉnh. Tại tuần thứ 27, đường hô hấp của thai nhi chỉ mới hình thành những cấu trúc nhỏ giống như cây trong đó phế quản và phế nang sẽ tăng dần về số lượng. Hệ hô hấp của bé cần khoảng 8 năm để phát triển hoàn chỉnh nên hiện tại mới chỉ là giai đoạn đầu tiên.

Những thay đổi đối với mẹ bầu

b2

 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Từ tuần thai thứ 27 mẹ bầu nên đi khám thai mỗi tuần. 

Lưng là một trong những vùng cơ thể chịu tác động lớn nhất bởi sức nặng khi mang thai. Để cân bằng giữa trọng lượng cơ thể và vòng bụng đang nhô dần về phía trước, lưng bạn luôn ở trong trạng thái lắc lư. Thêm vào đó mỗi bước đi, chân bạn có khuynh hướng đi hai hàng làm cho dáng đi trở nên lạch bạch trong suốt thai kì.

Cơ thể của mẹ bầu có cảm giác mình trở nên phù hơn bởi vì máu trong cơ thể phải tuần hoàn nhiều hơn và thể tích của những chất dịch trong cơ thể cũng tăng lên. Chân, bàn chân thậm chí các ngón tay của bạn cũng trông to hơn bình thường. Thời điểm này bạn nên tháo nhẫn cưới trước khi chúng trở nên quá chật.

Mẹ bầu sẽ thấy cơ thể nóng như có lửa trong người. Hãy tránh ăn cay, đồ uống có cồn và tránh cả bị áp lực nữa vì rõ ràng những áp lực tâm lí sẽ làm cho bạn cảm thấy nóng hơn mà thôi. Bầu ngực sẽ ngày càng nặng và căng, các tĩnh mạch giãn dài, trở nên rõ ràng dưới da và đầu ti tiếp tục sậm màu. Tất cả những thay đổi trên là cần thiết để bầu ngực tạo ra sữa.

Đặc biệt, tùy thuộc vào tiền sử bệnh và các nguy cơ của bản thân, bác sĩ có thể khuyên mẹ bầu nên xét nghiệm máu lại để kiểm tra HIV và giang mai, đồng thời mẹ cũng được xét nghiệm chlamydia và bệnh lậu để chắc chắn tình trạng tình trạng sức khỏe tốt nhất trước khi sinh. Nếu kết quả kiểm tra đường huyết cao và chưa thực hiện các xét nghiệm tiếp theo, mẹ sẽ sớm phải xét nghiệm dung nạp glucose trong 3 giờ.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn