Thịt lợn xỉn màu
Nếu bề mặt thịt lợn có mảng màu khác thường như xám đen, đỏ đậm... thì đó là thịt lợn kém tươi. Những miếng thịt có vết máu, mỡ hồng, mạch máu sẫm màu là lợn bệnh, lợn chết.
Nhiều người tưởng rằng vết máu dính trên bề mặt thịt lợn nghĩa là thịt còn tươi. Thực ra, khi mổ lợn, những vệt máu sẽ được người mổ lau sạch sẽ. Miếng thịt dính máu trên bề mặt có thể chỉ là chiêu thức bán hàng đánh vào tâm lý thích mua đồ tươi của khách.
Thông thường, những miếng thịt như vậy thái ra sẽ có màu thâm, mùi hôi, ăn không ngon, không tốt cho sức khỏe.
Thịt lợn không có độ đàn hồi
Thịt lợn tươi sẽ có độ đàn hồi tốt. Thử dùng ngón tay ấn vào miếng thịt rồi thả ra, vết lõm trên miếng thịt sẽ nhanh chóng biến mất. Nếu vết lõm mãi không hết, miếng thịt không đàn hồi thì đó là thịt cũ, thịt đông lạnh sau đó đem rã đông để bán.
Miếng thịt sũng nước
Miếng thịt trông nhiều nước hoặc ướt sũng thì khả năng người bán đã bơm nước, ngâm nước để tăng trọng lượng. Nếu thấy nước chảy ra từ miếng thịt và người bán thường xuyên lấy khăn thấm thì bạn không nên mua vì đó có thể là thịt bơm nước.
Thịt nhớt, dính tay
Với miếng thịt tươi, khi sờ vào sẽ có cảm giác thịt dẻo, hơi dính tay. Tuy nhiên, thịt cũ, thịt ôi, sờ vào sẽ có cảm giác nhớt. Khi ngửi, thịt lợn có mùi hơi hôi chứng tỏ vi khuẩn đã xâm nhập. Tốt nhất không nên mua miếng thịt này, vừa không ngon lại ảnh hưởng tới sức khỏe.
Thịt lợn có hạch bạch huyết
Hạch bạch huyết có thể chứa mầm bệnh, vi khuẩn, mùi hôi. Dù nấu kỹ cũng khó loại bỏ hết những thứ này. Bạn nên tránh mua những miếng thịt có nổi hạch bạch huyết. Cổ lợn là phần thịt có hạch bạch huyết nhiều nhất.
Lỗ chân lông trên bì lợn có màu đỏ
Tùy theo giống lợn, lỗ chân lông trên bì lợn sẽ có màu đen hoặc trắng. Nếu lỗ chân lông chuyển sang màu đỏ, rất có khả năng đó là thịt của con lợn đã chất. Ngoài ra, thịt lợn loại này sẽ có màu đỏ sẫm, có mùi hôi rõ rệt.