Tàu Trung Quốc thấy mảnh vỡ tình nghi của MH370
Hãng CBS News dẫn lời một số nguồn tin cho biết, các tàu tìm kiếm cứu nạn của Australia và Trung Quốc đã tiếp cận vật thể. Tuy nhiên, các quan chức Australia chưa thể khẳng định những mảnh vỡ đó thuộc về chuyến bay MH370 hay không.
Một vật thể được tàu Trung Quốc vớt lên. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, cho đến nay chưa thể xác nhận những vật thể trên có liên quan đến máy bay mất tích MH370 của Malaysia hay không, các quan chức cứu nạn hàng hải Úc cho biết.
Cơ quan An toàn Hàng hải Australia tuyên bố: “Tính tới thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa trục vớt mảnh vỡ nào liên quan tới chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines cùng 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn".
Được biết, hoạt động tìm kiếm máy bay Malaysia Airlines mất tích vào ngày 29/3 kết thúc sau khi quần thảo gần 252.000 km vuông.
Theo Cơ quan An toàn Hàng hải Úc (AMSA), 8 máy bay tham gia vào các hoạt động tìm kiếm hôm nay. Trong số đó có 3 chiếc máy bay P3 Orion của Không quân Hoàng gia Úc, 2 máy bay Nhật Bản, một máy bay P3 Orion của Không quân Hoàng gia New Zealand (RNZAF), 1 chiếc Ilyushin IL-76 của Trung Quốc và một máy bay làm nhiệm vụ chuyển thông tin liên lạc.
Trong khi đó, các báo cáo khác cho hay 6 chiếc tàu đã đến khu vực này tìm kiếm các mảnh vỡ của máy bay mất tích. Thời tiết ở khu vực tìm kiếm được cho là thuận lợi. Việc tìm kiếm sẽ tiếp tục trong sáng 30/3.
Trước đó, một máy bay PC3 Orion của Úc cũng nhìn thấy một số mảnh vỡ ở địa điểm khác của khu vực tìm kiếm. Tuy nhiên, các cơ quan an toàn hàng hải đã không mô tả chi tiết các vật thể trôi nổi đó.
Interpol chỉ trích Malaysia không kiểm tra dữ liệu hộ chiếu cả năm nay
Trong một diễn biến có liên quan đến vụ mất tích của MH370, cơ quan cảnh sát quốc tế Interpol ngày 28/3 đã chỉ trích cơ quan nhập cư Malaysia đã không đối chiếu hộ chiếu của các hành khách trong kho dữ liệu của họ trong năm nay. Chính vì vậy mà 2 hành khách dùng hộ chiếu ăn cắp có thể dễ dàng lên MH370.
2 hành khách dùng hộ chiếu giả trên chuyến bay MH370, máy bay được cho là đã rơi ở nam Ấn Độ Dương cùng 239 người, đã khiến giới chức trách phải mở một cuộc điều tra chống khủng bố quốc tế vào tháng này.
Pouria Nourmohammadi (thứ 2 từ trái sang) và Seyed Hamid Reza Delavar (phải), 2 người Iran sử dụng hộ chiếu giả trên chuyến bay mất tích. |
Nhưng sau đó, hai hành khách này được kết luận chỉ là những người nhập cư trái phép tới từ Iran, muốn tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở phương Tây. Giới chức Malaysia sau đó đã bị chỉ trích vì đã không sử dụng kho dữ liệu của Interpol, nhằm để phát hiện những hộ chiếu bị đánh cắp.
Vào ngày thứ tư vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ Malaysia đã cho biết trước quốc hội nước này rằng, việc tham khảo kho dữ liệu của Interpol gây mất thời gian, công sức cho các nhân viên phòng nhập cư và khiến các chuyến bay bị chậm trễ.
Interpol cho rằng quyết định không tham khảo dữ liệu của Interpol trước khi cho phép hành khách vào Malaysia hoặc lên máy bay “không thể được bảo vệ bằng việc đổ lỗi cho công nghệ hay Interpol”.
“Nếu ai đó phải chịu trách nhiệm hoặc bị đổ lỗi cho sai lầm này, thì chỉ là Cơ quan nhập cư Malaysia”, cơ quan cảnh sát quốc tế có trụ sở ở Pháp cho hay.
Interpol cũng khẳng định “chỉ mất thời gian tính bằng giây để biết xem liệu một hộ chiếu có được liệt kê trong danh sách và những thử nghiệm gần đây cho kết quả là 0,2 giây”.
Cơ quan này cũng cho biết trong khi một số nước tham khảo kho dữ liệu của Interpol hơn một trăm triệu lần mỗi năm, nhưng “trong năm 2014, trước vụ mất tích MH370, Cơ quan nhập cư Malaysia đã không tiến hành đối chiếu lấy một lần hộ chiếu của hành khách trong dữ liệu của Interpol”.
“Nếu Malaysia tham khảo dữ liệu của Interpol, việc 2 hành khách dùng hộ chiếu ăn cắp sẽ được phát hiện ngay tức thì”, họ cho biết thêm.
Interpol vào tháng này cho biết 2 người đàn ông trên được cho là đã tới Kuala Lumpur qua đường Doha bằng hộ chiếu Iran. Rồi sau đó họ chuyển sang hộ chiếu Áo và Ý để lên chuyến bay tới Bắc Kinh.