Trẻ bị sốt và xuất hiện dấu hiệu này ở lưỡi chứng tỏ đang mắc bệnh nguy hiểm

17:04, Thứ năm 22/08/2019

( PHUNUTODAY ) - Nếu con bạn bị sốt và lưỡi xuất hiện nhiều chấm nhỏ màu đỏ thì nên lập tức đưa bé tới bệnh viện.

Ngày 19/8, Bác sĩ khoa Nhi, Cheng Ying Chang đã chia sẻ trên Facebook về trường hợp một trẻ 5 tuổi bị sốt cao 3 ngày, đã uống thuốc hạ sốt trong 3-5 tiếng.

Ngoài biểu hiện sốt cao, toàn bộ lưỡi của trẻ còn bị đỏ và xuất hiện các mụn nhỏ, có biểu hiện sưng viêm và thay đổi vị giác. Bác sĩ Cheng cảnh báo đó là một dấu hiệu rất nguy hiểm.

Bác sĩ khoa Nhi, Cheng Ying Chang.

Bác sĩ khoa Nhi, Cheng Ying Chang.

Bác sĩ Chen Ying Chang cho biết, nếu sốt đi kèm với việc lưỡi xuất hiện ban đỏ trông như quả dâu tây thường biểu hiện cho phản ứng viêm rất mạnh của niêm mạc. Trong trường hợp này, con bạn mắc một trong số 3 bệnh gồm bệnh Kawasaki, sốt ban đỏ và hội chứng sốc độc. Nếu không điều trị kịp thời có thể gây tổn thương cho các cơ quan quan trọng như tim và thận.

Trẻ nhỏ với sức đề kháng yếu rất dễ bị cảm lạnh và sốt. Việc trẻ sốt từ 3-5 lần/ngày là chuyện bình thường, có những trẻ có thể sốt đến 10 lần/ngày. Sốt cảm lạnh thông thường có thể hết sau khoảng 2 ngày.

Tuy nhiên, khi sốt đi kèm với nhiều biểu hiện khác, cha mẹ cần hết sức chú ý. Nếu trẻ sốt cao và có "lưỡi dâu tây", hãy đưa trẻ đến viện khám càng sớm càng tốt.

Sốt cao đi kèm với việc lưỡi xuất hiện chấm đỏ là dấu hiệu cảnh báo có thể trẻ đang bị một căn bệnh nguy hiểm.

Sốt cao đi kèm với việc lưỡi xuất hiện chấm đỏ là dấu hiệu cảnh báo có thể trẻ đang bị một căn bệnh nguy hiểm.

"Lưỡi dâu tây" có thể là triệu chứng của các bệnh sau:

Dị ứng thực phẩm hoặc thuốc

Trong một số trường hợp, lưỡi dâu tây là dấu hiệu cho thấy con bạn bị dị ứng đồ ăn hoặc một loại thuốc nào đó. Đối với trường hợp này, bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc kháng histamine để giúp giảm sưng và đỏ.

Sốt ban đỏ

Bệnh ban đỏ (còn gọi là sốt Scarlet hoặc sốt tinh hồng nhiệt), là một bệnh do vi khuẩn phát triển trong một số người bị viêm họng. Vi khuẩn tiết ra ngoại độc tố làm cơ thể xuất hiện các vết ban đỏ. Nếu ngoại độc tố được tiết ra nhiều mà không điều trị kịp thời thì có thể gây viêm khớp cấp, viêm cầu thận cấp...

Thường sau 2-3 ngày bị bệnh nhiễm trùng ở họng hay ở trên da thì bệnh nhân có biểu hiện phát ban. Các ban đỏ nhạt hoặc đỏ tươi xuất hiện ở phía trên thân thể trước, sau đó lan ra tay, chân... Các triệu chứng khác bao gồm sốt cao, đau họng và đau đầu.

Tổn thương còn có ở cả niêm mạc. Lưỡi xuất hiện các gai sưng phù và đỏ. Vòm miệng có thể có ban đỏ và các chấm xuất huyết.

Bệnh thường xảy ra thường xuyên nhất đối với trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 15 tuổi.

Bệnh Kawasaki

Kawasaki là một căn bệnh có liên quan đến sự viêm của các mạch máu trong toàn bộ cơ thể. Bệnh nếu để lâu dài sẽ làm tổn thương động mạch vành gây ra bệnh tim ở trẻ em.

Bệnh nhân bị bệnh Kawasiki thường có biểu hiện sốt cao hay kèm phát ban toàn thân, hai mắt sưng đỏ (viêm kết mạc củng mạc) có biến đổi ở khoang miệng như môi đỏ, lưỡi đỏ, miệng bong rộp, loét. Bệnh Kawasaki thường gặp ở trẻ em nhỏ dưới 5 tuổi, hay gặp nhất ở lứa tuổi bú mẹ.

Hội chứng sốc độc tố (TSS)

Hội chứng sốc độc tố (toxic shock syndrome - viết tắt là TSS) tuy là tình trạng hiếm gặp nhưng nó có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng lưỡi xuất hiện đốm đỏ.

Hội chứng sốc độc tố là một bệnh hệ thống do vi khuẩn gây ra. Hai loại vi khuẩn chính gây ra hội chứng này là tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) và vi khuẩn liên cầu (Streptococcus pyogenes). Đây là những vi khuẩn có thể sản xuất chất độc. Ở một số người, cơ thể không thể chống lại độc tố của các vi khuẩn này sản sinh ra khiến hệ thống miễn dịch có phản ứng.

Các triệu chứng của TSS bao gồm sốt cao, tụt huyết áp nhanh, phát ban trên khắp cơ thể, nôn mửa hoặc tiêu chảy; đau đầu, rối loạn, mất phương hướng, hoặc co giật. Hội chứng sốc độc tố có thể dẫn tới suy thận, suy hô hấp và suy giảm chức năng của nhiều cơ quan khác trong cơ thể.

chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: Thanh Huyền