Theo Y học cổ truyền, xương sông vị đắng cay, tính ấm, có công dụng trừ tanh hôi, khu phong trừ thấp, tiêu thũng chỉ thống, thông kinh hoạt lạc, tiêu đàm thấp, kích thích tiêu hóa. Thường được dùng để chữa cảm sốt, ho, viêm họng, nôn mửa, đầy bụng, mề đay… Bộ phận dùng làm thuốc chủ yếu là lá bánh tẻ dùng tươi hay phơi khô trong bóng mát.
Bài thuốc chữa thoái hóa kèm thoát vị từ lá xương sông:
- Lá xương sông tươi giã nát trộn với dấm.
- Hoặc lá xương sông, lá cúc tần – hai thứ giã nát đắp dọc sống lưng.
Đắp lá nên nhiều một chút, ngày nào cũng đắp và kết hợp nằm phản cứng như sập gỗ, hoặc giường không có đệm (tránh nằm đệm lún) và ít vận động là được.
- Ngoài ra hằng ngày dùng lá xương sông đun uống thay nước nữa.
Thực tế lá xương xông nhiều người biết, các bà nội trợ thường mua về cuốn món chả xương sông ăn rất ngon miệng. Lá xương sông còn dùng đun nước tắm, hấp siro ho cho trẻ... nhưng tác dụng chính và hiệu quả nằm ngay cái tên của nó – vốn dĩ gọi là cây xương sống bị gọi chệch thành xương sông – có khả năng điều trị bệnh lý về cột sống, xương khớp rất tốt.
Cây xương sông có vị cay, tính ấm, có tác dụng khu phong, trừ thấp, tán hàn; tiêu thũng, chỉ thống, thông kinh hoạt lạc, trị phong thấp, trị cảm cúm... rất hiệu quả.
Nếu bị bệnh xương khớp, thoái hóa thoát vị, tê bì chân tay, đau mỏi cỏ vai gáy… dùng lá xương sông đắp và đun nước uống. Lưu ý khi đắp chỉ dùng lá tươi. Còn khi đun lá xương sông để uống thì dùng được cả lá tươi, lá khô, hoặc hạt đều được. Liều uống mỗi ngày tầm 20g khô hoặc 40-50g tươi.
Sau đây là một số bài thuốc từ lá xương sông
1. Chữa viêm họng
Lấy 5 – 10 lá xương sông bánh tẻ, giấm ăn 20 – 30ml. Lá xương sông rửa sạch để ráo nước, giã giập rồi đem nhúng vào giấm để ngậm. Dùng từ 5 – 7 ngày bệnh sẽ tiến triển rõ rệt. Bài thuốc này có tác dụng tốt với các bệnh như viêm họng cấp, mạn tính; viêm amidan, viêm thanh quản bị mất tiếng…
2. Chữa đau nhức răng
Rễ xương sông rửa sạch phơi khô 20g, hoàng liên 10g, hai thứ cho vào chai thủy tinh, đổ ngập rượu để ngâm. Khoảng 10 ngày là có thể dùng được, lấy bông chấm thuốc bôi vào nơi răng lợi đau nhức.
3. Chữa ho do cảm cúm, viêm họng, viêm phế quản
Lá xương sông 10g, lá húng chanh 10g, lá hẹ 10g. Cắt nhỏ các nguyên liệu, cho tất cả vào hấp cùng đường phèn, gạn lấy dung dịch để ngậm.
4. Chữa mề đay
Lá xương sông 40g, lá khế 40g, lá chua me đất 20g. Tất cả rửa sạch, giã nhỏ, hoà nước ấm uống. Uống 3 thang/ngày. Lấy bã xoa ngoài những nơi nổi mề đay.
5. Chữa ho có đờm, nôn trớ ở trẻ em
Chuẩn bị: 5 thìa cà phê mật ong và 2 – 3 lá xương sông.
Thực hiện: Đem lá xương sông rửa sạch, để ráo, thái nhỏ và cho vào chén. Thêm mật ong vào chén và đem hấp cách thủy khoảng 10 phút. Dùng nước uống nhiều lần trong ngày, người lớn bị ho có thể nhai có lá để nhanh giảm bệnh.
6. Chữa đầy bụng, khó tiêu
Chuẩn bị: Tía tô 30g, hậu phác 10g, chỉ xác 10g, lá xương sông 30g, sinh khương 10g, trần bì 10g.
Thực hiện: Đem sắc với 3 chén nước, đun sôi trong 10 phút và lấy nước uống.
Lưu ý xương sông là cây thuốc quý, nhưng đã là dược liệu thì cần tránh áp dụng sai cách vì có thể làm bệnh chuyển biến theo chiều hướng xấu... Vì vậy trước khi dùng cần gặp bác sĩ tư vấn cụ thể về liều lượng, cách dùng, thời gian điều trị... và nếu muốn dùng lá xương sông trong điều trị dài hạn cần tham vấn y khoa.