Liên quan vụ nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ (42 tuổi; trú tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) mang thai trong thời gian chờ thi hành án tại trại giam ở Quảng Ninh nhằm thoát án tử hình, nhiều độc giả thắc mắc về số phận đứa bé sau khi được sinh ra. Liệu đứa bé sẽ được nuôi dưỡng thế nào?
Để làm rõ những vấn đề trên, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn LS Thành phố Hà Nội đã có những giải đáp dưới đây:
Vụ nữ tử tù mang thai: Số phận đứa trẻ sẽ đi về đâu?
Luật sư Cường cho biết, theo Điều 45 Luật thi hành án hình sự 2010 quy định về Chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi như sau:
“1. Phạm nhân nữ có thai nếu không được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì được bố trí nơi ở hợp lý, được khám thai định kỳ hoặc đột xuất, được chăm sóc y tế trong trường hợp cần thiết; được giảm thời gian lao động, được hưởng chế độ ăn, uống bảo đảm sức khoẻ.
2. Phạm nhân nữ có thai được nghỉ lao động trước và sau khi sinh con theo quy định của Bộ luật lao động. Trong thời gian nghỉ sinh con, phạm nhân được bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn theo chỉ dẫn của y sĩ hoặc bác sĩ, được cấp phát thực phẩm, đồ dùng cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh. Phạm nhân nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi được bố trí thời gian phù hợp để chăm sóc, nuôi dưỡng con.
3. Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị đăng ký khai sinh cho con của phạm nhân. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phạm nhân chấp hành án có trách nhiệm đăng ký và cấp giấy khai sinh.
4. Phạm nhân nữ có con từ 36 tháng tuổi trở lên phải gửi con về cho thân nhân nuôi dưỡng. Trường hợp con của phạm nhân không có thân nhân nhận nuôi dưỡng, thì trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, phải đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi phạm nhân chấp hành án chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội có trách nhiệm tiếp nhận, nuôi dưỡng. Người chấp hành xong án phạt tù được nhận lại con đang được cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng.
5. Trại giam phải tổ chức nhà trẻ ngoài khu giam giữ để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là con của phạm nhân dưới 36 tháng tuổi và con của phạm nhân từ 36 tháng tuổi trở lên trong thời gian chờ làm thủ tục đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội”.
Nghị định 117/2011/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 15/12/2011 quy định về tổ chức quản lý phạm nhân và chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân quy định cụ thể như sau:
“Điều 11. Chế độ ăn, mặc và cấp phát nhu yếu phẩm đối với trẻ em dưới 36 tháng tuổi là con của phạm nhân ở cùng cha, mẹ trong trại giam
1. Chế độ ăn Trẻ em dưới 36 tháng tuổi là con của phạm nhân ở cùng cha, mẹ trong trại giam được hưởng chế độ ăn như đối với cha, mẹ; ngày 01 tháng 6, tết Trung thu được hưởng chế độ ăn gấp 02 lần ngày thường. Căn cứ vào lứa tuổi của trẻ và điều kiện thực tế, Giám thị trại giam có thể hoán đổi định lượng chế độ ăn cho phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em ở cùng cha, mẹ trong trại giam.
2. Chế độ mặc và cấp phát nhu yếu phẩm Trẻ em dưới 36 tháng tuổi là con của phạm nhân ở cùng cha, mẹ trong trại giam, mỗi năm được cấp 02 khăn mặt, 02 kg xà phòng, 02 bộ quần áo bằng vải thường, 01 màn; đối với trường hợp ở các trại giam từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra được cấp 01 bộ quần áo ấm, 01 chăn phù hợp với lứa tuổi (từ thành phố Đà Nẵng trở vào cấp chăn sợi, từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra cấp chăn bông không quá 02 kg) dùng trong 03 năm.
3. Chế độ ăn, mặc, cấp phát nhu yếu phẩm đối với trẻ em trên 36 tháng tuổi là con của phạm nhân ở cùng cha, mẹ tại trại giam trong thời gian chờ làm thủ tục đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội hoặc chờ gửi về thân nhân nuôi dưỡng được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này”.
Như vậy, căn cứ vào các quy định của pháp luật nêu trên thì trẻ em được sinh ra trong trại giam sẽ được đảm bảo chăm sóc đầy đủ về chế độ ăn uống, chế độ mặc, các nhu cầu yếu phẩm và được đảm bảo sức khỏe, khám chữa bệnh…
Trẻ em dưới 36 tháng tuổi là con của phạm nhân ở cùng cha, mẹ trong trại giam được hưởng chế độ ăn như đối với cha, mẹ; ngày 01 tháng 6, tết Trung thu được hưởng chế độ ăn gấp 02 lần ngày thường.
Căn cứ vào lứa tuổi của trẻ và điều kiện thực tế, Giám thị trại giam có thể hoán đổi định lượng chế độ ăn cho phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em ở cùng cha, mẹ trong trại giam. Mỗi năm trẻ em được cấp 02 khăn mặt, 02 kg xà phòng, 02 bộ quần áo bằng vải thường, 01 màn; đối với trường hợp ở các trại giam từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra được cấp 01 bộ quần áo ấm, 01 chăn phù hợp với lứa tuổi (từ thành phố Đà Nẵng trở vào cấp chăn sợi, từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra cấp chăn bông không quá 02 kg) dùng trong 03 năm.
Luật sư Cường cũng cho biết thêm, trong trường hợp nếu con của phạm nhân ở bên ngoài không có ai chăm sóc thì đứa bé ấy vẫn được áp dụng quyền lợi như ở khoản 4, 5 Điều 45 Luật thi hành án hình sự quy định nói trên.
Sự việc xảy ra đối với nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ không phải là duy nhất, bởi trước đó vào năm 2006, ở Hòa Bình đã từng có tiền lệ. Nữ tử tù Nguyễn Thị Oanh (SN 1967, trú tại huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) - đối tượng bị kết án tử vì tội buôn bán 20 bánh heroin - trong lúc chờ thi hành án tại Hòa Bình đã tìm cách quan hệ với một nam phạm nhân khác dẫn tới có thai.
Trước tình huống oái oăm này, theo luật định, Oanh được giảm án xuống tù chung thân còn 2 cán bộ quản giáo bị khởi tố và xử tù vì tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn” khi đã nhiều lần mở cửa buồng giam để Oanh và người tình “yêu” nhau.
Nguyễn Thị Oanh và cậu con trai thời điểm cháu bé 3 tuổi.
Nói về cuộc sống hiện tại của hai mẹ con phạm nhân Nguyễn Thị Oanh, Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an)cho hay: “Sau khi được chuyển án từ tử hình xuống tù chung thân, phạm nhân Oanh đã tiếp tục chấp hành án trong trại. Hiện tại, phạm nhân này đã được chuyển sang thụ lý tại trại giam Xuân Nguyên (đóng tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng).
Oanh cải tạo tốt, luôn tỏ ra ăn năn hối lỗi vì những toan tính của mình đã trực tiếp ảnh hưởng tới người khác. Còn cháu bé cũng rất ngoan, được học tập đầy đủ ở ngôi trường nằm trong khuôn viên trại. Nếu gia đình phạm nhân Oanh có nguyện vọng đưa cháu bé về quê thì chúng tôi sẽ xem xét...”.
Các cán bộ quản giáo kể lại, chẳng khi nào Oanh rời con đến nửa bước, gặp người lạ nào cũng giới thiệu về con mình bằng những lời trìu mến.
Nguyễn Trường Thiên, người tình cùng trại giam tỉnh Hòa Bình đã “quan hệ” giúp Oanh hiện đã mãn hạn tù. Thỉnh thoảng, anh vẫn lặn lội vượt quãng đường gần 2000 cây số từ Đồng Nai ra Hải Phòng thăm “vợ” con.
Ngày nghe tin nhận được tin Oanh đang sinh con ở Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, Thiên cũng nhanh chóng bắt xe đến thăm “vợ”.
Bên cạnh đó, 3 đứa con của Oanh với chồng vẫn theo người nhà từ Thái Nguyên đến trại thăm nuôi mẹ theo định kỳ.
Vụ nữ tử tù mang thai: Khi nào được giảm án xuống chung thân? (Xã hội) - (Phunutoday) - Nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ đang mang thai 25 tuần sẽ được xem xét giảm án sau khi sinh đẻ. |