Thiếu máu, thiếu sắt, suy dinh dưỡng, còi xương… vì giun
Con số trên được TS. Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương (Viện SR-KST-CT TW) công bố tại buổi phát động chiến dịch “Tẩy giun cộng đồng 6116”, ngày 14/6.
"Phân tươi để bón cho ruộng màu (trồng ngô, khoai, sắn) là nguyên nhân chính khiến cho người dân khu vực phía Bắc có tỉ lệ nhiễm giun cao” - TS. Trần Thanh Dương lý giải.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam cũng nằm trong các nước có tỉ lệ nhiễm giun cao của khu vực châu Á. Ước tính hàng năm người dân Việt bị mất khoảng 1,5 triệu lít máu và 15 tấn lương thực cho việc… nuôi giun.
Ba loại giun chính mà người dân thường mắc là giun đũa, giun móc và giun tóc. Giun ký sinh gây nên nhiều bệnh, nhiều tác hại nghiêm trọng đến sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần cho người bệnh, đặc biệt là ở trẻ em và phụ nữ mang thai.
Một bệnh nhân bị nhiễm giun |
Cụ thể, giun đũa có thể gây tắc ruột, lồng ruột, viêm ruột thừa, viêm cơ tim, giun chui ống mật, suy dinh dưỡng, giảm khả năng phát triển trí tuệ ở trẻ. Chu kỳ phát triển từ trứng đến con trưởng thành khoảng 30 ngày và chúng có thể sống đến 1-2 năm. Mỗi ngày, 20 con giun có thể sử dụng hết 2,8 gam chất bột và 0,7mg thịt.
Giun tóc có thể gây tổn thương niêm mạc ruột; rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, táo bón, khó tiêu, chán ăn, lâu dần sẽ gây sa trực tràng; gây thiếu máu nhược sắc. Mỗi ngày một con giun có thể đẻ đến 20.000 trứng và chúng sống từ 5-10 năm.
Giun móc thường ký sinh ở tá tràng. Chỉ một con giun cũng đã sử dụng hết 0,16 ml máu/ngày, số máu bị mất của người bệnh sẽ tăng lên theo số giun bị nhiễm.
Người nhiễm giun mà không chữa trị sẽ bị thiếu máu nặng, suy tim, suy kiệt, phù nề, phù thủng, gầy mòn, viêm dạ dày – tá tràng; phụ nữ bị rong kinh thậm chí vô kinh…
Ngay ở giai đoạn là ấu trùng, giun đũa, giun móc đã có thể gây viêm phổi dị ứng; giun móc gây viêm da tại chỗ.
Chủ động phòng chống nhiễm giun
Không chỉ nhiễm một loại, Viện SR-KST-CT TW còn ghi nhận không ít trường hợp nhiễm cùng lúc nhiều loại giun khác nhau khiến sức khỏe bị suy kiệt nghiêm trọng.
Giun dễ dàng lây nhiễm qua rất nhiều con đường: ăn uống các loại rau sống chưa được rửa sạch, qua bàn tay bẩn, nguồn nước không vệ sinh, các sinh hoạt thường ngày tiếp xúc với môi trường đất và cả qua nguồn không khí bị ô nhiễm.
Vòng đời và sự phát triển của giun |
Do đó, mọi người đều có thể bị nhiễm giun và tỉ lệ tái nhiễm rất cao. Nếu trong gia đình đã có một thành viên bị nhiễm, xác suất các thành viên còn lại bị nhiễm là rất cao.
TS. Trần Thanh Dương khuyến cáo: Nếu đã bị nhiễm, người bệnh nên đi khám ở bệnh viện chuyên khoa để được điều trị đặc hiệu.
Một số dấu hiệu để có thể nhận biết bị nhiễm giun
- Tình trạng thường đau bụng (đặc biệt sau khi ăn đồ ngọt)
- Rối loạn tiêu hóa ở người trưởng thành.
Đối với trẻ em là các triệu chứng thường xuyên chảy nước dãi (vì giun sẽ làm kích thích tuyến nước bọt, dạ dày), thường kêu đau bụng, rối loạn tiêu hóa; nặng hơn là tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu máu. Nếu nằm trong diện có nguy cơ cao bị nhiễm giun, gia đình nên tẩy giun cho trẻ từ khi trẻ được 12 tháng tuổi.
Để không mắc phải các bệnh lý do giun, quan trọng hơn là cần phòng tránh bị nhiễm giun bằng nhiều cách.
Rửa tay bằng xà phòng là một trong những cách phòng giun sán hữu hiệu. |
Cụ thể, vệ sinh môi trường sống: giữ gìn nhà ở, vườn tược sạch sẽ; không dùng phân tươi bón ruộng vườn; đại tiện đúng nơi quy định; sử dụng nguồn nước sạch; vệ sinh cá nhân: rửa tay trước khi ăn, sau khi tiếp xúc với đất, sau khi đi đại tiện; không ăn – uống thực phẩm chưa nấu chín, ôi thiu; cắt móng tay, đi dép thường xuyên, có bảo hộ lao động khi tiếp xúc với đất…
Điều trị dự phòng bằng cách tẩy giun hai lần/năm, mỗi lần cách nhau sáu tháng cho cả gia đình (trừ trẻ dưới một tuổi).