Theo ghi nhận từ cơ quan chức năng, lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát hiện các mẫu măng có tồn dư chất Auramine O (còn gọi là chất Bàng ô dùng trong công nghiệp để nhuộm vải, gỗ, giấy, làm sơn quét tường) tại 2 cơ sở bán buôn măng với quy mô lớn ở chợ đầu mối Phú Hậu (TP Huế).
Theo quan sát, trong những ngày chờ kết quả giám định, thì những ngày này măng có màu vàng bất thường vẫn được bày bán tại các chợ ở Huế.
Măng có màu vàng bất thường vẫn bán tràn lan trên thị trường |
Tại Đà Nẵng, 7/7 mẫu dưa cải muối vừa được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Đà Nẵng lấy tại 3 chợ đầu mối Hòa Cường, chợ Đống Đa và chợ Hòa Khánh gửi đi xét nghiệm đều chứa chất vàng ô.
Tại chợ đầu mối Phú Hậu, bà Thái Th. Th., một tiểu thương bán măng cho biết: "Chỉ cần 1 ống phẩm vàng 1.400 đồng thì ngâm được hơn 1 tạ măng rồi. Khoảng 14 ngàn đồng thì ngâm được cả 1 tấn măng". Cũng theo bà Th. và các tiểu thương khác, loại phẩm vàng mà tiểu thương nhuộm vào măng được mua ở chợ Đông Ba. Nhưng họ không hề biết do ai sản xuất".
Kiểm tra đột xuất tại chợ đầu mối phường Phú Hậu (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế), Phòng cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, Chi cục chế biến Nông- lâm- thủy sản tỉnh phát hiện 2 cơ sở kinh doanh măng của bà Thân Thị Tuyết Mai (trú tại đường Chi Lăng, TP Huế) và Lê Thị Hồng (trú tại phường An Tây, TP Huế), tiểu thương chợ đầu mối Phú Hậu có hơn 137 kg măng nhuộm màu vàng ươm.
Kết quả giám định cho thấy, toàn bộ số măng bị niêm phong đều có chứa chất vàng ô (tên hóa học là Auramine, là loại chất cấm được liệt vào danh sách chất gây ung thư nhóm 3, có khả năng gây ung thư cao).
Vàng ô là chất độc cho cơ thể người, không được sử dụng trong thực phẩm, ngay cả trong chăn nuôi chất này cũng bị cấm sử dụng. Tồn dư chất vàng ô sẽ dẫn tới việc giảm chức năng nội tạng như thận, gan của con người và đặc biệt là nguy cơ ung thư. Do chất vàng ô có độ giữ màu lâu, giá thành rẻ nên thường bị lạm dụng.
Chi cục chế biến Nông- lâm- thủy sản cũng yêu cầu cơ sở sơ chế, kinh doanh măng tươi, dưa cải muối và thực phẩm khác nói chung tuyệt đối không sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc; hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Theo quy định của pháp luật, nếu các cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định trên sẽ bị xử lý rất nặng. Cụ thể, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ, với mức phạt từ 70 đến 100 triệu đồng. Thậm chí, sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 317 của Bộ Luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016) về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm với mức phạt lên tới 50 đến 500 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1 đến 20 năm tùy trường hợp.
Rơi nước mắt đám tang ngập màu hồng của bé gái 3 tuổi bị ung thư (Xã hội) - (Phunutoday) - Không mang những màu sắc u buồn với vòng hoa, trang phục đen mà buổi lễ được trang trí như một bữa tiệc cho trẻ em với đủ những gam màu rực rỡ. |