Làm cha mẹ không phải là lúc nào cũng sốt sắng lên để thể hiện tình yêu thương. Mặc dù tình cảm đôi khi chi phối khiến chúng ta mất bình tĩnh. Thế nhưng có những cha mẹ đã rèn luyện được sự tỉnh táo của bản thân. Họ vô cùng sáng suốt khi thể hiện sự thờ ơ đúng lúc với con cái. Dưới đây là 3 cách thờ ơ thông minh của cha mẹ rất có lợi cho sự phát triển của con:
Cha mẹ thông minh đều sẵn sàng để con mình chịu khổ
Một trong những cách để con trở nên bất hạnh chính là chiều theo ý con mình và cho con sướng, làm thay con mọi việc vì nghĩ con còn nhỏ, con chưa biết gì, thương con thì giúp con. Đó chính là yêu thương sai lầm.
Hãy chuyển lại thành thờ ơ một cách thông minh bằng việc để cho con phải thực hiện va trò trách nhiệm theo độ tuổi của con. Sự hiểu chuyện của đứa trẻ là đến từ việc giáo dục của cha mẹ.
Đừng cho con quá nhiều thứ, con sẽ không phát triển được năng lực của mình. Hãy để con tự lực.
Nhiều cha mẹ thu nhập thấp nhưng lại vay mượn để chiều con cái. Đừng làm như vậy vì như thế chỉ là hại con khiến con không biết thực sự gia đình mình như thế nào và chạy theo những sĩ diện bên ngoài. Tình yêu đích thực mà cha mẹ cần dành cho con không phải là lấy đi tất cả những gì có thể để cho con, mà là nuôi dưỡng khả năng độc lập, tính cách giản dị và tinh thần chiến đấu của trẻ. Nhiều bậc cha mẹ không muốn con cái chịu chút cực khổ, nhưng vì trẻ em đã được sinh ra trên đời này, chúng nên đối mặt với cuộc sống mà chúng sắp sửa đón nhận.
Những em bé được rèn luyện từ sớm sẽ càng phát triển tự lập sớm hơn. Điều đó không có nghĩa là hành hạ là làm khổ con từ sớm mà là cha mẹ hãy tích cực dạy con và rèn cho on hiểu biết nhận thức từ sớm về vai trò nghĩa vụ của bản thân.
Nếu cuộc đời định sẵn là một chuyến đi vất vả, vậy thì hãy dạy con bắt đầu chăm chỉ sớm hơn và biết cách chịu đựng gian khổ sớm hơn. Đừng lo con chịu khổ, đó là con đường sớm muộn con phải đi.
Hãy để trẻ chịu trách nhiệm
Con dại cái mang nhưng không có nghĩa là chúng ta luôn luôn chịu thay con mọi thứ. Việc học của con là cho con vì con nếu con không học con phải chịu kỷ luật ở lớp chứ cha mẹ không đi quan hệ với thầy cô giáo để chịu thay con. Trẻ ăn để lớn không ăn thì bị đói, không phải cầu xin con ăn. Nếu cha mẹ thường xuyên cằn nhằn, thúc giục về một vấn đề nào đó, cha mẹ sẽ khơi dậy sự phản kháng của trẻ. Tốt hơn hết, hãy để con chịu trách nhiệm.
Cha mẹ có vai trò là người hướng dẫn phân tích cho con hiểu chứ không có nghĩa làm thay con. Nhiều người sai lầm làm thay con mọi thứ tới khi con trưởng thành vẫn còn thay con thế là tự cắt đi đôi cánh, đôi chân của con. Ngay từ khi con còn bé, cha mẹ cần chỉ cho con thấy những bất cập trong quyết định ví như: Nếu con chọn đi chơi vào cuối tuần khi chưa làm xong bài tập sẽ bị cô giáo phê bình vào đầu tuần; Nếu con không tuân thủ đúng thời gian sử dụng điện thoại, con sẽ có nguy cơ học tập sa sút và mẹ sẽ tịch thu điện thoại trong 3 tháng…
Trẻ cần học tập nhìn nhận trách nhiệm để hiểu vai trò của mình chứ không phải là chờ đợi cha mẹ làm thay. Những đứa trẻ có trách nhiệm ngay khi còn nhỏ, lớn lên sẽ tiếp tục duy trì tính cách tốt này và như thế chúng sẽ có vị trí trong xã hội, được tôn trọng và có sức mạnh nội lực trải qua khó khăn.
Nếu cha mẹ bảo bọc làm thay con thì con sướng lúc nhỏ nhưng khi lớn ra ngoài đời lại vô cùng bết bát và gặp nhiều bất hạnh, khó khăn xử lý các vấn đề gặp phải, gọi về cầu cứu cha mẹ, cha mẹ già không còn giúp được thì chúng trở nên sa ngã, thất bị hư hỏng.
Giảm gánh nặng tâm lý cho trẻ
Trong tâm lý học có thuật ngữ "Hiệu ứng Zeigarnik" để nói về hiện tượng: Cùng giải những bài Toán giống nhau, những đứa trẻ không bị quấy rầy trong quá trình thực hiện có thể hoàn thành nhiệm vụ dễ dàng hơn còn nếu quá trình đó luôn bị xáo trộn thì trẻ sẽ trở nên cáu kỉnh và không thể hoàn thành được nhiệm vụ.
Do đó khi muốn con đạt thành tích học tập đừng có xoắn xuýt thúc giục con quá nhiều. Hãy bình tĩnh quan sát, để con bớt gánh nặng tâm lý. Để con được tập trung và thư giãn trong quá trình học tập thì con mới tập trung vào bài, còn liên tục phải trả lời câu hỏi của bố mẹ rằng con xong chưa, cần giúp không thì con càng phân tâm. Để trẻ đặt tất cả bài tập về nhà lên bàn và sắp xếp, lên kế hoạch cho những mục tiêu nhỏ: Bài tập nào cần làm trước, thời gian thực hiện là bao lâu, sau đó nghỉ 10 phút trước khi làm nhiệm vụ tiếp theo...
Nhiều khi chúng ta đang tự tạo áp lực cho chính bản thân mình và cho con. Vì thế hãy tránh xa những quan niệm thúc giục này nhé.