Mới đây, trên một diễn đàn lớn dành cho chị em, câu hỏi ngắn gọn nhưng "đầy nhức nhối” – “có mẹ nào cưới xong được mẹ chồng "giữ hộ" vàng và tiền không ạ” đã khiến “500 chị em” tranh cãi nảy lửa. Thậm chí, các chị em còn "khẩu chiến" vì mỗi người một ý.
Chỉ sau một thời gian ngắn đăng tải, câu hỏi trên nhanh chóng nhận được hơn 600 câu trả lời. Đa số chị em đều trả lời là "không", bởi nhiều người đã rút ra được bài học sâu sắc khi sống chung với mẹ chồng.
Bạn T.N. bình luận: "Hồi môn là tiền bố mẹ mình dành dụm đưa cho mình về nhà chồng để phòng thân, có khi vất vả mấy chục năm trời mới có được, sao lại phải đưa cho mẹ chồng? Chỉ có thể là mình tự giữ hoặc là gửi lại mẹ đẻ”.
Trước câu hỏi nếu gặp phải mẹ chồng khó tính, đòi cầm hộ của hồi môn giúp con dâu thì sao, cô chỉ cười: "Mình đã trưởng thành rồi, lấy chồng thì cũng cần lo cho cuộc sống riêng chứ. Mình sẽ nói khéo, không thẳng toẹt ra nhưng vừa đủ để mẹ chồng hiểu rằng mình không thích bị đòi hỏi như thế. Còn chẳng may gặp mẹ chồng vặn vẹo thì... từ từ tính, tùy từng hoàn cảnh mà lựa thôi”.
"Tất nhiên là không đưa rồi, phải giữ làm vốn riêng của 2 vợ chồng chứ, hoặc mang về nhờ mẹ đẻ giữ hộ cho chắc, lúc nào cần dùng thì xin lại dễ hơn. Quan điểm của cá nhân mình, hồi môn được bố mẹ cho riêng, làm gì với nó là quyền của người phụ nữ, miễn không lãng phí”, T.T. nêu rõ quan điểm.
Trái ngược với 2 ý kiến trên, bạn T.C. lại cho rằng nên đưa của hồi môn cho mẹ chồng giữ hộ. “Mình cưới xong có bao vàng vọt đưa ngay và luôn cho mẹ chồng cất buổi tối hôm cưới xong, nhờ bà cất hộ. Mấy tháng sau 2 vợ chồng tính mua đất bà đem bán chỗ vàng ấy được mấy chục triệu rồi cho thêm tiền mua đất. Toàn tiền của ông bà, hai vợ chồng trẻ chẳng làm ra xu nào”.
Việc “có nên đưa của hồi môn cho mẹ chồng giữ hộ?” từ trước đến nay vẫn khiến nhiều chị em băn khoăn. Sở dĩ hộ coi của hồi môn là thứ quan trọng khi xuất giá theo chồng. Của hồi môn không chỉ là một phần trong nghi lễ cưới hỏi truyền thống mà còn là “vật phòng thân” cho cuộc sống trong tương lai.
T.Nh. (Hải Phòng) được đông đảo mọi người biết đến là một cây viết trẻ, có những câu chuyện đáng suy ngẫm về triết lý sống. Năm nay, T.Nh. bước sang tuổi 28 thế nhưng chị cho hay việc lấy chồng, không thể nóng vội được. Chia sẻ về việc sau này lấy chồng có nên đưa cho mẹ chồng cất giữ giùm của hồi môn hay không, T.Nh. cho hay: “Tôi chưa lập gia đình nhưng sau này tôi nghĩ là có của hồi môn thì tôi cũng sẽ không đưa cho mẹ chồng. Bởi khi kết hôn có nghĩa là chúng ta đã đủ trưởng thành để xây dựng một tổ ấm. Mỗi một gia đình đều có những khoản chi tiêu, tích lũy riêng, nếu ở chung với bố mẹ chồng thì vợ chồng có trách nhiệm đóng góp tiền sinh hoạt phí. Tôi không biết tại sao lại có cô gái có ý nghĩ đưa của hồi môn cho mẹ chồng, theo tôi, đó là tài sản cá nhân”.
Dù mỗi người một ý nhưng tựu chung lại, tùy vào hoàn cảnh của từng cô dâu mà có cách xử lý của hồi môn khác nhau, không có bất cứ một công thức chung nào và cũng không thể áp dụng rộng rãi. Nếu bố mẹ chồng có ý định mua nhà riêng cho vợ chồng mới thì việc đóng góp của hồi môn là điều cần thiết. Còn nếu bố mẹ chồng có ý vòi vĩnh, bắt phải đưa nhưng không đem lại cho hai vợ chồng chút lợi gì bạn cũng nên cân nhắc bởi chuyện tiền nong rất nhạy cảm.