TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) sẽ giải đáp về vấn đề này. Bác sĩ này cho rằng nhiều tổ chức trên thế giới đã khuyến cáo sử dụng bột ngọt trong chế biến thực phẩm là một biện pháp giảm muối rất tốt. Như chúng ta đã biết, việc ăn nhiều muối là nguyên nhân gây bệnh như huyết áp, tim mạch vì thế giảm muối trong bữa ăn là điều hết sức quan trọng và cân thiết.
Ăn nhiều bột ngọt có gây hại cho sức khỏe không?
Một nghiên cứu ở Nhật Bản đã chỉ ra rằng, khi chúng ta có 1 lít nước dùng, nếu cho vào đó 8g muối nhưng không cho bột ngọt thì vị ngon vẫn chấp nhận được, nhưng chúng ta sẽ ăn nhiều natri, tức là nhiều muối.
Trường hợp thứ hai là cùng với 1 lít nước dùng đó, nếu chúng ta cho vào đó 4g muối và 4,8g bột ngọt thì vị ngon vẫn chấp nhận được nhưng chúng ta đã giảm được 31,5% lượng natri ăn vào.
Tương tự, các nghiên cứu khác ở Mỹ, Brazil hay Phần Lan họ cũng áp dụng cách này để giảm lượng muối ăn đưa vào cơ thể hàng ngày. Như vậy, bột ngọt là cách giảm lượng muối ăn hàng ngày, chứ không phải để lừa miệng như nhiều người vẫn nói.
Thực tế, có nhiều người cho rằng ăn bột ngọt không an toàn, thậm chí còn truyền tai nhau về nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng bột ngọt chính là các Monosodium Glutamate, đây là các thành phần tự nhiên có trong hoa quả và sữa… có vai trò tốt cho sức khỏe.
Hơn nữa, hiện nay bột ngọt được sản xuất từ các thực phẩm được lên men tự nhiên như mía, ngô, khoai mỳ, củ cải đường nên khá an toàn khi sử dụng. Và thực tế, bột ngọt cũng được các tổ chức uy tín trên thế giới khuyến cáo sử dụng.
Với thông tin ăn bột ngọt bị tê bì chân tay, chóng mặt, buồn nôn hay còn gọi là hiện tượng bị say bột ngọt (mỳ chính). Đây là thông tin xuất phát từ năm 1960, do một bác sĩ người Mỹ sau khi ăn món ăn có bột ngọt ở một quốc gia khác thì xuất hiện các triệu chứng trên.
Ngay sau đó, các chuyên gia nghiên cứu cũng đã vào cuộc và khẳng định, bột ngọt không phải là nguyên nhân gây nên triệu chứng như trong lá thư được lan truyền trên mạng. Đồng thời cũng không có chuyện bột ngọt gây nên ảnh hưởng trí não hay sa sút trí tuệ.
Về liều lượng sử dụng hàng ngày, hiện chưa có khuyến cáo cụ thể nào về hàm lượng tối đa hay tối thiểu mà sử dụng tùy theo khẩu vị. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nếu bột ngọt sử dụng ở nhiệt độ dưới 200 độ C thì nó không làm gây nên các chất có hại cho sức khỏe. Do vậy, chúng ta nêm nếm bột ngọt trước, trong, sau khi chế biến thực phẩm đều an toàn.
Bạn nên nêm bọt ngọt lúc nào?
Khi nấu ăn, các bạn thường có thói quen ướp gia vị vào thực phẩm trước khi chế biến khoảng mười phút để làm món ăn đậm đà hơn. Trái lại, một vài quan điểm cho rằng bột ngọt chỉ nên nêm vào sau khi bắc ra, vì bột ngọt cho vào lúc nấu nướng có thể gây hại cho sức khoẻ.
Nhiệt độ nấu ăn thông thường dao động trong khoảng 130 độ C đến dưới 260 độ C. Trong khoảng nhiệt độ này, các nghiên cứu cho thấy bột ngọt không bị biến đổi thành thành phần gây hại cho sức khỏe. Bột ngọt chỉ mất tác dụng điều vị và có thể bị biến đổi thành chất không tốt cho sức khoẻ khi bị đốt cháy liên tục trong vòng hai giờ ở nhiệt độ trên 300 độ C. Khi cháy liên tục trong hai giờ ở nhiệt độ 300 độ C thì bất cứ món ăn nào cũng bị cháy thanh than rồi, càng không thể ăn được.
Do đó, bạn có thể nêm bột ngọt vào bất kỳ thời điểm nào khi nấu ăn tuỳ thuộc vào món ăn và kinh nghiệm nấu nướng của các bạn, hoặc tham khảo cách thức nêm nếm gia vị cho món ăn thêm ngon miệng như sau:
- Với các món cần tẩm ướp (chiên, nướng, xào, kho,...), nếu có sử dụng bột ngọt thì nên chia làm 2 lần. Lần 1 là tẩm ướp vào nguyên liệu trước khi nấu để thấm gia vị vào thức ăn. Lần 2 là nêm nếm trước khi hoàn thiện để hài hòa hương vị của món ăn.
- Với các món có nước (canh, súp, hầm,...), nên nêm bột ngọt lúc gần bắc ra khỏi bếp để điều chỉnh hương vị một cách chính xác nhất, tránh hiện tượng nước sôi bốc hơi nhiều làm thay đổi vị của món ăn.