Vì sao khoai tây phải để trong bóng tối?
Nếu muốn kéo dài thời gian bảo quản khoai tây và giữ chúng không bị biến chất trong nhiều tháng, bạn cần hiểu rõ những yếu tố chính ảnh hưởng đến sự hư hỏng của khoai tây, trong đó ánh sáng là yếu tố cực kỳ quan trọng.
Khoai tây luôn chứa một lượng nhất định solanine - chất có thể gây ngộ độc chết người với liều lượng 0,2 -0,4 gram trên 1kg trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên ở củ khoai tây bình thường, hàm lượng solanine ở mức an toàn. Chất độc này tăng lên rất nhiều khi khoai tây tiếp xúc với ánh sáng và vỏ chuyển sang màu xanh. Đó là lý do vì sao khoai tây phải để trong bóng tối.
Triệu chứng ngộ độc solanine là nôn mửa, tiêu chảy, đau đầu, tê liệt hệ thần kinh trung ương, hôn mê và trong một số trường hợp hiếm gặp là tử vong.
Cách tốt nhất để tránh ngộ độc solanine là không ăn khoai tây đã chuyển màu xanh hay mọc mầm.
Các dấu hiệu của một củ khoai cần loại bỏ là:
1. Xanh: Vỏ khoai tây dần chuyển sang màu xanh, củ khoai sẽ bị mềm và hơi héo, nguyên nhân có thể do tiếp xúc với ánh sáng. Nếu khoai chỉ có một chút xanh, hãy cắt bỏ phần xanh trước khi nấu.
2. Khoai bị mọc mầm: thường kèm theo vỏ xanh và thịt khoai đã mềm. Nếu khoai không quá mềm và mầm không xanh thì bạn có thể cắt bỏ phần mầm để nấu nướng.
3. Khoai mục nát: thịt khoai mềm nhũn và có thể có mùi, hãy vứt bỏ ngay và thay thế bất kỳ tờ giấy nào đã chạm vào chúng.
Những lưu ý cần biết khi bảo quản khoai tây
- Không nên rửa khoai trước khi bảo quản: bởi rửa nước dễ khiến khoai bị hư thôi. Giữ khoai tây càng khô càng tốt. Nếu khoai dính nhiều đất cát, chờ cho đất khô rồi dùng bàn chải đánh răng cọ nhẹ để loại bỏ đất. Bạn chỉ nên rửa trước khi đem đi chế biến.
- Nếu để khoai trong tủ lạnh, hãy làm khoai ấm dần bằng nhiệt độ phòng trước khi nấu.
- Nếu khoai đã bị cắt, nên nấu càng sớm càng tốt, Còn không thể nấu ngay, bạn có thể cho khoai vào nước lạnh, cách này có thể bảo quản khoai trong 2-3 ngày.
- Không để khoai tây gần trái cây. Nhiều loại trái cây như táo, lê, chuối tiết ra một chất hóa học gọi ethylene. Khí này khuyến khích trái cây chín (bạn có thể nhận thấy rằng các loại trái cây có xu hướng chín nhanh hơn khi bạn giữ chúng bên cạnh nhau) khiến khoai nảy mầm sớm.
- Nếu bạn định để dành khoai để làm món khoai tây chiên, bạn có thể sơ chế qua: rửa sạch, cắt nhỏ, luộc sơ với một chút muối, cho khoai vào nồi nước ngay từ đầu. Khi nồi nước vừa sôi, trút khoai ra rổ cho ráo nước rồi cất vào hộp, cho vào ngăn đá tủ lạnh. Rã đông khoai trong khoảng 10 phút trước khi chiên, bạn sẽ có được món khoai tây chiên giòn tan.