Chiều 12/3, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP.HCM cho biết đã thực hiện lệnh bắt, khám xét khẩn cấp nơi ở và nơi làm việc của Trần Đăng Trường (35 tuổi) và Nguyễn Thị Diễm Huyền (33 tuổi, vợ của Trường, cùng ngụ quận 12, TP.HCM) về hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả là thuốc chữa bệnh.
Ảnh minh họa.
Trước đó, vào chiều 11/3, sau một thời gian dài theo dõi hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc giả của vợ chồng Trường, các trinh sát của PC46 đã bắt quả tang Trường đang vận chuyển một lô hàng là tân dược giả từ xe hơi riêng vào chợ dược phẩm trên đường Tô Hiến Thành, quận 10. Khi bắt quả tang Trường, các trinh sát của PC46 thu giữ 2 thùng thực phẩm chức năng, nhiều loại tân dược nghi là hàng giả khác.
Khám xét nơi ở của vợ chồng Trường và trụ sở của Công ty do vợ Trường đứng tên tại quận 12, lực lượng của PC46 thu giữ 38 thùng tân dược giả thành phẩm các loại mang nhãn hiệu như Selbako, Mepodex, Sapdox, Levotab, Baraclude… cùng nhiều nguyên phụ liệu, bao bì, máy móc thiết bị chuyên dùng để sản xuất thuốc, đóng gói bao bì…
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra.
Cũng tương tự vụ việc trên, vào ngày 20/10/2008 cơ quan công an đã bắt quả tang Phạm thị Việt Tú khi đang bán loại thuốc giả cho một hiệu thuốc ở Hà Đông, Hà Nội. Khám xét tại nhà và chỗ trọ của Tú, cơ quan điều tra đã thu giữ được hàng trăm vỉ thuốc các loại.
Tú tốt nghiệp Đại học Luật, khoa kinh tế quốc tế, Tú xin về làm việc tại một công ty dược phẩm. Thời gian làm việc tại đây đã giúp Tú tích lũy được ít nhiều kinh nghiệm về thuốc Tây y. Từ đó, Tú nảy sinh ý định sản xuất thuốc giả để bán kiếm lời.
Từ tháng 4/2008, Tú thuê nhà ở phố Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy) để chế biến thuốc giả. Tú mua thuốc kháng sinh nội đóng gói thành thuốc ngoại, trong đó có loại Rovanten - một loại thuốc kháng sinh điều trị các bệnh về hô hấp. Công đoạn để làm ra loại thuốc giả này, Tú mua vật liệu để in lưới, và một số vật liệu để sử dụng in tem, nhãn, vỏ hộp đựng thuốc, máy in date, khuôn để định hình làm vỉ thuốc giả. Song, kế hoạch sản xuất thuốc của Tú không thành công vì vướng mắc ở khâu làm vỉ thuốc.
Tháng 10/2008, Tú thấy vỉ thuốc chữa dạ dày có hình dáng, kích cỡ giống với thuốc Rovanten nên mua về, dùng hóa chất tẩy toàn bộ chữ in trên vỉ thuốc. Sau đó, Tú in tên và các thông số của thuốc Rovanten đồng thời Tú lấy mẫu vỏ hộp thật đem đi thuê in. Tem nhập khẩu của loại thuốc này cũng được in giả. Với số thuốc giả này, Tú mang đi tiêu thụ tại một loạt các cửa hàng thuốc lớn tại Hà Nội như ở phố Trần Hưng Đạo, Thanh Nhàn, Hà Đông... Giá thuốc Tú mua chỉ là 7.000 đồng, cộng thêm chi phí bao bì tăng lên 15.000 đồng, nhưng Tú đem giao bán tại các cửa hàng thuốc giá một vỉ thuốc Rovanten giả loại 100mg là 70.000 đồng, 90.000 - 100.000 đồng loại 200 mg. Tổng cộng, Tú sản xuất được 180 vỉ thuốc giả.
Tại Tòa, Tú đã đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Hội đồng xét xử xem xét bị cáo đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên đã cân nhắc cho Tú được hưởng tình tiết giảm nhẹ, tuyên phạt Tú 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.