Có tới 86% trẻ bị dị tật ống thần kinh sẽ bị bệnh não úng thủy. Đây là bệnh để lại nhiều di chứng và trì trệ về tâm thần nếu điều trị chậm trễ. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa và điều trị được nếu biết tận dụng “thời gian vàng”...
Não úng thủy là bệnh gì?
Não úng thủy hay còn gọi là bệnh đầu nước, là một trong những dị tật của ống thần kinh. Nguyên nhân do dư thừa một loại chất lỏng trong não, từ chuyên môn gọi là dịch não tủy. Bệnh này rất thường gặp ở trẻ sơ sinh.
Bệnh não úng thủy thường là bẩm sinh, không di truyền, hoặc có thể xuất hiện sau một đợt viêm não, viêm màng não, xuất huyết não, u não…
Biến chứng khi bị não úng thủy
Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, mô não sẽ bị chèn ép, dẫn đến những di chứng như mù, câm, điếc, liệt hai chi, chậm phát triển, không nói được, động kinh ở trẻ.
Các mẹ nên làm gì để phòng chống não úng thủy ở trẻ sơ sinh
Não úng thủy là một trong những dị tật của ống thần kinh, do đó để phòng ngừa bệnh trước khi có kế hoạch mang thai và trong 3 tháng đầu thai kỳ các mẹ nên uống bổ sung acid folic (còn gọi là vitamin B9) thuộc vitamin nhóm B, có vai trò giúp cho sự đóng ống thần kinh được hoàn chỉnh trong thời kỳ bào thai. Ngoài viên uống bổ sung, các mẹ cũng có thể bổ sung acid folic cho cơ thể bằng các loại rau xanh lá, ngũ cốc.
Thời điểm vàng để điều trị bệnh cho trẻ
Tuổi phẫu thuật tốt nhất cho trẻ, hay còn gọi là “thời gian vàng”, là dưới sáu tháng tuổi. Nếu được mổ sớm cho kết quả đa số rất tốt, đầu trẻ sẽ không bị to do ứ nước và trí tuệ của trẻ phát triển bình thường.
Thế nhưng hiện nay đa số trẻ bị não úng thủy đến BV điều trị trễ. Một số đã quá chỉ định mổ, sẽ để lại di chứng rất khó chữa trị. Nguyên nhân trẻ điều trị trễ là do hoàn cảnh kinh tế hoặc cha mẹ thiếu hiểu biết về bệnh, thấy trẻ tuy đầu to nhưng ăn uống, vui chơi bình thường nên không chú ý. Cho đến khi thấy trẻ có biểu hiện bú ói, mắt lờ đờ chỉ thấy tròng trắng mới đưa đến BV.