Trẻ ở độ tuổi mới tập nói có nhiều em bé sẽ nói nhiều. Có trẻ nói nhiều vì nhiều vấn đề, muốn đặt nhiều câu hỏi cần lời giải đáp, có trẻ nói đi nói lại những câu không nhiều ý nghĩa, hoặc đòi hỏi bố mẹ bằng những câu nói lặp lại, có trẻ nói leo khi người lớn nói chuyện…
Có nhiều cha mẹ vì quá bận rộn nên khi tiếp những câu chuyện của con, những câu hỏi liên tiếp của con sẽ thấy đau đầu và mệt, thậm chí là cản trở công việc bạn đang làm.
Nhiều cha mẹ từ chối câu trả lời của con, đánh trống lảng khi con hỏi nhiều câu mà mình không trả lời được. Nhiều cha mẹ vì quá đau đầu đã ra lệnh “con hãy trật tự”. Nhưng điều đó không nên.
Trẻ nói nhiều, nếu là vì đặt các câu hỏi thì đó là trẻ thông minh đang cần tìm hiểu khám phá thế giới và em bé đó đặt nhiều câu hỏi chứng tỏ trong đầu em bé rất linh hoạt, nhanh bén, nghĩ đa chiều mới đặt được nhiều câu hỏi. Em bé đang cần sự hỗ trợ của cha mẹ. Do đó không nên nói con trật tự hay cho rằng con hỏi linh tinh. Mà chúng ta cần tìm cách giải đáp câu hỏi chính đáng của bé. Nếu gặp câu hỏi khó bạn chưa trả lời được, hãy hẹn con lúc khác nhưng nhớ trả lời cho bé, vì trẻ con có thể sẽ không trách nhưng sau dần sẽ rất nhớ chuyện bố mẹ lảng tránh vấn đề.
Nếu trẻ nói nhiều vì cứ nghe người lớn nói chuyện là nói leo vào thì bạn cần dành thời gian dạy con về phép lịch sự, phân tích cho con hiểu như thế nào là nên. Đừng vội la trách con là “hư, ai cho con nói mà nói”. Hãy dùng những câu “À bố mẹ đang nói chuyện của người lớn, con đợi một chút”? Phải chăng những cách nhẹ nhàng đó sẽ không làm con tổn thương và con sẽ hiểu hơn. Còn việc bạn dùng quyền người lớn trấn áp ép bé im lặng, bé trật tự nhưng sự thực bé lại không hiểu vì sao phải như thế thì sẽ khó thay đổi. Đặc biệt cha mẹ nên là người làm gương. Nếu con có tật nói leo, ngắt lời người khác thì khi dạy con chúng ta cần học cách không ngắt lời con khi con nói chưa xong, khi con nói chưa rõ. Thậm chí khi chúng ta đang nói chuyện mà con nói leo vào, thay vì chỉ tay trừng mắt ra lệnh im lặng, chúng ta hãy dừng lại lời của mình, để bé nói hết lời của bé, rồi sau đó mới đề nghị con không nên nói leo và giải thích cho con.
Chúng ta sẽ rất cần kiên nhẫn vì sẽ mất thời gian để bạn xử lý, giải thích, lắng nghe con. Nhưng đổi lại chúng ta sẽ có những em bé hiểu chuyện, biết điều và kích thích trí thông minh hơn là việc chúng ta tìm cách triệt tiêu sự nói nhiều của bé để có sự yên lặng tức thời cho chúng ta để rồi sau đó con sẽ không dám hỏi thêm hoặc sẽ không thấy sự hỗ trợ từ bố mẹ.
Khi bạn cần giải quyết công việc gấp và không thể đáp lại con, cũng chưa thể nghe chuyện của con, hãy nói với con hẹn con bao lâu để mình giải quyết xong, rồi sau đó nghe con nói.