Hồng Trang là một bà mẹ luôn tâm niệm: việc chăm sóc con, chăm sóc gia đình là việc vô cùng quan trọng của người phụ nữ. Vậy nên, khi có bé Phi Phi, chị đã dành rất nhiều thời gian tìm hiểu kiến thức nuôi dạy con.
Không phụ mong đợi của mẹ, Phi Phi gần 1 tuổi, là một em bé ngoan, ăn ngủ tự giác, và giờ giấc, tính cách dễ chịu, hiền hòa. Đến chỗ đông người, Phi Phi thường mất 30-60 phút quan sát xung quanh trước khi có thái độ cởi mở, thân thiện. Bé rất cứng cáp, 4 tháng bé biết lẫy, 6 tháng biết bò và 11 tháng biết đi.
Dù lần đầu làm mẹ song Hồng Trang luôn thể hiện là một bà mẹ mát tay, lý trí, sắc sảo và vô cùng hiện đại trong cách dạy con.
- Chào Trang, là một bà mẹ chăm con đầu lòng, Hồng Trang có lúng túng và phải viện đến nhiều sự giúp đỡ không?
Phi Phi là con đầu lòng nên mới đầu mình có cứng nhắc theo lí thuyết. Nhưng càng nuôi con, lắng nghe ý kiến của người có kinh nghiệm và kết hợp với khoa học mình càng linh hoạt hơn. Trước khi sinh, mình đọc cuốn sách “The Baby Whisperer” của Tracy Hogg, Theo mình được biết đây là cuốn sách gối đầu giường của nhiều bà mẹ tại Mỹ. Sách dạy kiến thức chăm sóc trẻ sơ sinh có rất nhiều, tuy nhiên cuốn sách này rất đặc biệt vì nó chỉ cho mình hiểu tâm sinh lý và đáp ứng được những mong muốn chưa thành lời được của 1 em bé sơ sinh.
Từ những logic và phân tích tâm lý cơ bản trong cuốn sách, bố mẹ có thể tham chiếu với tính cách em bé của mình để có những phương pháp phù hợp để hiểu được mong muốn của con. Cuốn sách này giúp cho mình bình tĩnh và tự tin khi chăm sóc Phi Phi. Sách khuyến khích bố em bé cùng đọc và chia sẻ.
Cùng giao lưu học hỏi phương thức dạy con.
- Chăm sóc con là cả một quá trình gồm nhiều màu sắc tình cảm: hạnh phúc, lo lắng, hồi hộp, day dứt... Bạn thấy có đúng với mình không?
Không sai. Mình cũng như bao bà mẹ khác, cũng hạnh phúc vô cùng khi được ôm con trong tay, được chứng kiến con lớn lên từng ngày. Tuy nhiên, mình gặp khó khăn trong việc nuôi con bằng sữa mẹ, nên chỉ sau 1 tháng Phi Phi được nuôi bằng sữa ngoài. Mình phải vượt qua tâm lý day dứt vì không nuôi được con bằng sữa mẹ sau khi đã cố gắng hết sức. Vì việc này mình cũng bị nhiều áp lực từ bên ngoài.
Ảnh hai mẹ con
- Bạn đã vượt qua điều này như thế nào?
Đó là sự quen thuộc và kết quả sự phát triển tích cực của bé. Bù lại, việc nuôi con bằng sữa ngoài lại tạo cho mình những thuận lợi cho sức khỏe bản thân cũng như tạo được nhiều thói quen tốt cho con. Cho nên cá nhân mình thấy, việc nuôi con bằng sữa mẹ hay sữa ngoài đều đáng được tôn trọng và đánh giá như nhau.
Phi Phi ăn sữa không nhiều, chỉ ở mức trung bình. Khi lớn hơn 6 tháng mình luôn để ý cân bằng lượng cũng như chất của đồ ăn dặm và sữa. Mình chú trọng vào việc tạo cho con thái độ ăn uống tốt chứ không ép về số lượng cũng như cân nặng nếu như con hoàn toàn nằm trong chuẩn quy định và khỏe mạnh, hoạt bát. Việc phải ép con ăn đến mức con sợ ăn, hay đi ăn dong, theo mình là một việc làm phản khoa học, gây ức chế tâm lý, ảnh hưởng đến thái độ ăn uống lành mạnh sau này.
Con cứng cáp mình chủ quan nghĩ là kết quả của một chuỗi các hoạt động liên tiếp và có quan hệ với nhau ví dụ như việc tạo môi trường trong sạch, nhiệt độ, độ ẩm phù hợp, ăn ngủ đầy đủ và đúng giờ. Đặc biệt, con được tạo điều kiện để vận động mọi lúc mọi nơi thì sẽ phát triển lành mạnh và đúng các mốc theo độ tuổi.
Bé rất cứng cáp, 4 tháng bé biết lẫy, 6 tháng biết bò và 11 tháng biết đi.
- Đó có phải là lý do Trang cho con tập Gym từ rất sớm?
Đúng vậy, mình cho Phi Phi đi lớp tập Gym một buổi/ tuần từ 3 tháng rưỡi. Đây không phải việc làm phổ biến khi phần lớn mọi người đều cho rằng bé có biết gì mà tập. Và ở Việt Nam không có nhiều trường có lớp cho các cháu còn quá bé như thế.
Mỗi buổi tập, Phi Phi thường được làm quen với các bài hát quen thuộc, một số vận động với sự trợ giúp của bố mẹ để giúp cho bé cứng cáp hơn, phản ứng với những âm thanh màu sắc… Các con được bỏ tất, đi chân trần tiếp xúc với sàn để giúp cho các dây thần kinh về cảm giác của bản thân được phát triển. Việc tập các bài tập từ sớm này giúp cho con có được thần kinh thăng bằng, bình tĩnh khi xử lí vấn đề sau này.
Giai đoạn 3 tháng tuổi hầu hết con chỉ học những bài tập tay chân rất nhẹ nhàng. Khi được 4 tháng rưỡi, cổ cứng cáp hơn, biết tự ngóc đầu khi nằm sấp thì con được học bài tập trồng chuối, lộn vòng.
- Trồng chuối ư? Nghe có vẻ nguy hiểm với bé dưới 1 tuổi nhỉ?
Đúng là nếu người khác mà thấy trẻ nhỏ tập như vậy chắc cũng lo lắm song có sự hướng dẫn của cô giáo và thấy con tiến bộ từng ngày nên mình vẫn quyết định cho con học.
Tuy nhiên, cái này mình không khuyến khích bố mẹ tập cho con khi không có sự hướng dẫn của người có chuyên môn. Điều mình muốn chia sẻ ở đây đó là, bố mẹ hay cho con được vận động nhiều, tiếp xúc nhiều với nền đất, tập thể dục thường xuyên cho con, để con được tự do khám phá góp phần cho việc phát triển toàn diện sau này.
Bên cạnh sự tự do đó, việc thiết lập những thói quen tốt cho việc ăn, ngủ, chơi cũng cần được định hướng từ sớm khi con vừa mới chào đời. Trẻ sơ sinh biết nhiều hơn người lớn chúng ta nghĩ và chúng ta nên học cách tôn trọng những điều con muốn.
Chị Trang và bé Phi Phi.
- Kết quả đạt được thì sao hả Trang?
Đo đếm kết quả tiến bộ thật khó, thật cảm tính, song mình thấy bé đạt chuẩn các mộc vận động, biết bò, biết đi vững là thành công rồi.
Những cách chăm sóc, nuôi dạy hiện đại như vậy, đã khi nào gia đình bạn mâu thuẫn vì cách chăm sóc con không?
Mâu thuẫn chắc chắn là có nhưng đó những mâu thuẫn nhỏ nhặt trước những việc mà hai vợ chồng chưa kịp thời thống nhất. Sau mỗi lần vậy cả hai thường tìm hiểu giải pháp và thảo luận, chia sẻ lại với nhau mục đích cùng đồng thuận trong tinh thần nuôi và dạy con nói chung.
Cảm ơn Hồng Trang về buổi nói chuyện này! Chúc Phi Phi ăn ngoan chóng lớn!