Giải mã những điều ít người biết về vợ, con của Tào Tháo

19:02, Thứ ba 18/03/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Tào Tháo là không chỉ nổi danh là kẻ gian hùng, lắm mưu nhiều kế trên chính trường, ông ta cũng được biết đến là kẻ phong lưu, háo sắc. Tuy nhiên, việc Tào Tháo chiêu mộ người nghiên cứu thuật phòng the, gả 3 con gái cho 1 người chồng, hay vợ Tào Tháo xuất thân kỹ nữ thì không phải ai cũng biết.

Chiêu mộ người nghiên cứu thuật phòng the

Tào Tháo (155 - 220), tức Ngụy Vũ đế, tự là Mạnh Đức. Thời nhỏ được gọi là A Man, người huyện Tiêu, nước Bái (tức huyện Bạc, tỉnh An Huy ngày nay).

Nếu trên chính trường, Tào Tháo là kẻ gian hùng lắm mưu nhiều kế, thì trong tình trường, ông ta cũng nổi danh thiên hạ bởi sự phong lưu, háo sắc của mình.

Nổi tiếng là kẻ phong lưu, đa tình, Tào Tháo chiêu mộ cả phương sĩ để nghiên cứu phòng trung thuật (thuật phòng the), rồi dùng đám cung nữ làm vật “thí nghiệm” của mình.

Tạo hình Tào Tháo trên phim.

Họ Tào được cho là đã xây dựng Đồng Tước Đài, rồi tuyển mỹ nữ nức tiếng trong thiên hạ đem về hưởng lạc. Gian hùng này còn chiêu mộ phương sĩ (ý chỉ những người cầu tiên học đạo thời xưa) nghiên cứu nghệ thuật phòng the. Vô số cung nữ đã bị Tào Tháo đem ra làm “thí nghiệm”, cốt thỏa mãn ham muốn của bản thân.

Đồng Tước Đài xây xong, mỗi gian đều có một mỹ nữ tuyệt sắc. Khi còn sống, họ Tào mặc sức hoan lạc, tới tận phút lâm chung vẫn dặn dò, ra lệnh cho đám mỹ nhân vào những ngày mồng một, ngày rằm hằng tháng phải ở trên Đồng Tước Đài mà cất cao giọng hát, cốt để cho kẻ gian hùng dưới suối vàng được thưởng thức.

Nhưng rốt cuộc, những người đẹp ấy lại bị con trai của Tháo là Tào Phi thu nạp về cung để hưởng dùng. Trải bao thăng trầm lịch sử, ngày nay, Đồng Tước Đài – chốn ăn chơi, hưởng lạc một thời của Tào Tháo đã bị phong trần lịch sử chôn vùi.  

Ba con gái lấy chung một chồng

Tào Tháo có tư tưởng trọng nam khinh nữ, dù con cái cả nam lẫn nữ đều rất đông nhưng cả đời Tào Tháo sinh được mấy người con gái thì không thấy sử sách ghi chép rõ.

Từ những gì được ghi chép trong các sách “Tam Quốc chí” của Trần Thọ và “Hậu Hán thư” của Phạm Diệp, chúng ta có thể biết rằng, chí ít Tào Tháo có 7 cô con gái, bao gồm: Tào Hiến, Tào Tiết, Tào Hoa, Thanh Hoà Trương Công chúa, An Dương Công chúa, Kim Hương Công chúa và Lâm Phần Công chúa.

Theo sử sách chép lại, vào năm Kiến An thứ 18, tức năm 213, "gian hùng" Tào Tháo đem ba cô con gái của mình là Tào Hiến, Tào Hoa, Tào Tiết cùng gả cho Hán Hiến Đế Lưu Hiệp làm phi tử. Tào Hiến, Tào Tiết, Tào Hoa vừa được đưa vào cung đã được phong làm phu nhân. Chỉ sau một năm, ba chị em nhà họ Tào cùng một lúc được phong lên làm quý nhân. Hoàng hậu của Hán Hiến Đế Lưu Hiệp vốn là Phục Thọ, thấy Tào Tháo ngày ngày lộng hành, đã viết một bức mật thư gửi cho cha mình là Phục Hoàn, hy vọng cha mình có cách trừ bỏ Tào Tháo, giúp Hán Hiến Đế thoát khỏi sự kìm kẹp của Tào. Việc bại lộ. Tào ép Hán Hiến Đế phế truất hoàng hậu, giam vào lãnh cung. Phục hoàng hậu không lâu sau đó đã chết trong lãnh cung.

Tào đứng ra làm chủ, "giúp" Hán Hiến Đế chọn lựa một mỹ nữ khác làm hoàng hậu. Căn cứ vào nguyên tắc tuyển người hiền không ngại người thân, Tào quyết định chọn cô con gái thứ hai của mình là Tào Tiết làm hoàng hậu. Vì vậy, vào năm Kiến An thứ 20, tức năm 215, dưới sự chèn ép của Tào, Hán Hiến Đế ra chiếu sắc phong cho Tào Tiết làm chính cung. Mặc dù biết rõ đây là hành động chèn ép hoàng đế của Tào nhưng văn thần võ tướng trong triều không ai dám nói nửa lời. Tào Tiết, con gái thứ hai của Tào Tháo, chính là “Hiến Mục Hoàng hậu”, mà sử sách sau này nhắc tới.

Ngoài ba cô con gái đã trưởng thành này, những cô con gái còn nhỏ tuổi cũng được Tào cho “đính hôn” trước với Hán Hiến Đế, tới tuổi trưởng thành thì cho vào cung hầu hạ vua.

Vợ của Tào Tháo xuất thân là kỹ nữ

Nhắc đến các hậu phi của Trung Quốc, rất nhiều người xuất thân từ kỹ nữ, chẳng hạn Triệu Cơ, Đổng Tiểu Uyển ..., nhưng ít ai biết rằng Biện phu nhân, vợ thứ Tào Tháo và là mẹ hoàng đế đầu tiên của nhà Ngụy, cũng bước ra từ chốn phấn hương.

Ảnh minh họa.

Theo sử sách Trung Quốc, Biện thị - Biện phu nhân (159-229), là người huyện Khai Dương, quận Lang Nha. Nhà của bà rất nghèo, tương truyền, Biện thị được sinh ra vào tháng mười hai, khi sinh hạ bà, bỗng trong phòng xuất hiện thứ ánh sáng màu vàng rực rỡ. Cha mẹ lấy làm lạ, bèn mời một vị thầy bói có tiếng trong vùng đến xem giúp. Thầy bói xem xong liền phán “Cũng có cát lợi, tương lai nhất định sẽ gặp phú quý”. Lời thầy bói nói thoạt tiên không ứng nghiệm, do gia cảnh ngày càng khốn khó, Biện thị bị đẩy vào chốn lầu xanh, về sau lưu lạc đến huyện Tiêu của nước Bái.

Đến lúc này, thì lời tiên đoán năm nào của thầy bói bắt đầu linh ứng. Năm 20 tuổi, bà gặp Tào Tháo, lúc ấy đang làm huyện lệnh huyện Đốn Khâu, được lấy làm vợ thứ 2 của Tào, cùng ông phiêu bạt khắp chốn. Sau đó lần lượt sinh cho Tào Tháo 4 người con nổi tiếng tài giỏi: Tào Phi (sau này chính là hoàng đế đầu tiên của nhà Ngụy), Tào Chương, Tào Thực, Tào Hùng.

Mặc dù có xuất thân thấp kém, nhưng Biện phu nhân lại nổi tiếng là một người mẹ, người vợ hiền đức vẹn toàn dù là đối xử với người hầu hay người thân.

Năm 229, Biện phu nhân mất tại kinh thành Lạc Dương, thọ 70 tuổi. Tuy không phải vợ cả, xuất thân hèn kém nhưng bà lại là người vợ có danh vọng nhất của Tào Tháo. Khi Tháo được phong vương, bà trở thành Ngụy vương hậu. Con cả là Tào Phi kế nghiệp, bà được tôn là vương thái hậu, rồi thành hoàng thái hậu khi Tào Phi xưng đế, và là thái hoàng thái hậu khi cháu nội lên nối ngôi.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: