Vào mùa hè, điều hòa dường như trở thành vật bất ly thân ở hầu hết gia đình. Để chống chọi với cái nắng nóng như thiêu như đốt, nhiều gia đình có thói quen bật điều hòa 24/24, cho chạy từ ngày này qua ngày khác mà không tắt để điều hòa có thời gian nghỉ ngơi. Không chỉ vậy, các gia đình cũng thường xuyên để điều hòa ở nhiệt độ quá thấp.
Mới đây, một vụ cháy điều hòa đã xảy ra tại Hà Nội đang nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng mạng. Nó là hồi chuông cảnh báo người dùng về an toàn sử dụng các thiết bị điện trong chính gia đình mình.
Tài khoản có tên N.T.T chia sẻ trực tiếp về câu chuyện của mình: "Vào lúc 20h30, nhà mình đang ăn cơm thì chiếc điều hòa trong phòng ngủ bất ngờ bùng cháy dữ dội, lửa bập bùng, khói đen kịt, ngột ngạt vô cùng, nhựa từ vỏ điều hoà chảy xuống giường đệm và các thứ trong phòng... Hơn một tuần rồi, mình vẫn chưa biết nguyên nhân vụ cháy từ đâu mà ra, vì mấy hôm đó thời tiết mát mẻ, mưa nhiều, cũng lâu rồi không dùng đến điều hòa...".
Vụ tai nạn xảy ra và rất may không có ai bị thương, con trai 5 tháng tuổi của chị T. đã được đưa ra ngoài từ trước, gia đình N.T.T cũng kịp thời dập lửa và rút phích cắm điều hòa.
Chiếc điều hòa này được chị N.T.T nhờ người thân mua đã hơn một năm. Tên điều hòa khá lạ và chủ nhân câu chuyện cho biết, khi lắp đặt điều hòa, nhân viên không hề lắp thêm Aptomat (cầu dao tự động) mà chỉ lắp phích cắm thông thường.
Chị N.T.T đã liên hệ với hãng điều hòa khi vụ tai nạn xảy ra nhưng lại không hề xác định được nguyên nhân do đâu.
Trước đó, vào tháng 5/2017, trong lúc lắp đặt, thợ lắp bất cẩn khiến điều hòa phát nổ. Vụ cháy bất ngờ xảy ra tại số nhà 336 đường Nguyễn Thái Học, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái khiến 3 người bị thương phải nhập viện cấp cứu.
Vụ cháy rất may không gây thiệt hại về người, nhưng nhiều đồ đạc trong căn phòng bị cháy đã bị hư hỏng. Qua điều tra sơ bộ, được biết, trong quá trình lắp đặt điều hòa, ba người thợ đã bất cẩn kéo ống dẫn ga quệt vào đường điện cao thế, khiến tia lửa điện phóng ra gây cháy.
Được biết, khi điều hòa hoạt động liên tục không ngừng nghỉ các yếu tố về nhiệt độ có thể khiến cho dàn nóng (dàn ngưng) của chiếc điều hòa bị cháy. Trong dàn nóng phần dễ bị cháy nhất là board mạch, do phần board mạch chứa các linh kiện điện tử để điều khiển hoạt động của dàn nóng, đây đều là những linh kiện dễ cháy.
Khi hoạt động sẽ tạo ra một lượng nhiệt nhất định. Ngoài lượng nhiệt này board mạch còn phải chịu lượng nhiệt từ máy nén, nhiệt từ giàn trao đổi nhiệt và nhiệt độ ngoài trời. Điều này khiến cho nhiệt độ chung của dàn nóng rất cao.
Vào những ngày trời nắng 38 - 40 độ C thì nhiệt độ tác động lên dàn nóng sẽ còn lớn hơn nữa, điều này sẽ làm giảm hiệu quả làm mát của dàn lạnh bên trong nhà đồng thời khiến cho dàn nóng phải làm việc nhiều hơn sinh nhiệt nhiều hơn. Nếu bạn để điều hòa hoạt động liên tục trong thời gian dài dễ dẫn đến hiện tượng om nhiệt trong dàn nóng khiến cho các linh kiện trên board mạch bốc cháy.
Đặc biệt nguy hiểm hơn khi bạn không sử dụng Aptomat cho điều hòa giống như gia đình có chiếc điều hòa bị cháy trên, thì khi board mạch ở dàn nóng bị chập cháy sẽ gây hiện tượng đoản mạch và kéo sang cả dàn lạnh trong nhà.
Lúc này do không có Aptomat, nên sẽ không ngắt điện được dẫn đến xảy ra chập cháy cả dàn lạnh. Dàn lạnh bị cháy rất nguy hiểm bởi sẽ sản sinh ra khí độc do cháy nhựa và các linh kiện điện tử độc hại. Chưa kể đến việc cháy có thể lan sang những vật dụng khác gây cháy lớn nguy hiểm hơn rất nhiều.
Vì vậy vào những ngày nắng nóng bạn nên sử dụng điều hòa với cường độ hợp lý. Nên cho điều hòa nghỉ sau một khoảng thời gian nhất định để hạ nhiệt dàn nóng, khi đó điều hòa hoạt mang lại hiệu quả làm mát cao hơn.
Đồng thời, việc vệ sinh bảo dưỡng điều hòa theo định kỳ quy định không chỉ giúp làm sạch máy, tăng tuổi thọ cho điều hòa mà còn giúp mang lại không khí tự nhiên trong lành nhất đảm bảo sức khỏe cho người dùng, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.
Đảm bảo cho chiếc điều hòa có thể hoạt động bền bỉ trong thời gian dài đồng thời đảm bảo sự an toàn cho chính gia đình bạn.