Bẫy tình trên Internet
Không có thời gian nhiều cho việc giao lưu tìm hiểu, lại ở trong môi trường "âm thịnh dương suy" nên nhiều nữ công nhân chọn giải pháp... tìm người yêu qua mạng.
“Mình mới biết chat vài tháng nay thôi, chứ đi làm về luẩn quẩn trong khu trọ mãi cũng chán. Vào đây quen thêm nhiều người, trò chuyện với nhau cho đỡ buồn”, Thư (quê ở TP Huế) cho biết.
Khi được hỏi có nhắm được anh chàng nào chưa, Thư tủm tỉm: “Cũng nói chuyện hợp với vài người nhưng họ ngại chưa cho xem webcam nên chưa biết mặt mũi thế nào”. Thư cho biết nếu ai cho xem webcam, thấy mặt mũi hiền lành thì có thể hẹn gặp bên ngoài.
"Có nhiều chị em công nhân làm cùng công ty quen bạn trai qua mạng, nhưng sau một thời gian tìm hiểu thì mấy anh chàng kia bỗng dưng “biến mất”, nên hiện nay mọi người không muốn lên mạng tìm bạn nữa. Có trường hợp còn bị mất tiền, mất xe máy sau những cuộc offline (hẹn hò qua mạng và gặp nhau ngoài đời thực) ngắn ngủi...", Thư kể.
Ở các khu chế xuất, công nhân nữ chiếm tỉ lên rất đông, có những công ty gần như 100% là công nhân nữ mà trong đó tỉ lệ nữ chưa lấy chồng và chưa có người yêu chiếm đến 2/3 trong khi tuổi của họ bắt đầu “đứng”.
“Ngày nào cũng đi làm từ lúc mặt trời mọc đến lúc tắt nắng mới về, lo làm ăn kiếm sống đã khiến mình mệt lử rồi, thời gian, cơ hội chẳng có để mình gặp gỡ tìm hiểu được ai. Nhìn bạn bè ở quê có chồng con hết rồi mà thấy tủi thân..”, Thảo (quê Bắc Ninh) ngậm ngùi nói.
Thảo kể trong thời gian gần mười năm qua, cô quen được bốn người đều qua mạng nhưng chuyện cũng chẳng đến đâu.
“Anh đầu tiên làm phụ hồ, quen nhau được vài tháng mình mới biết anh ta đã có vợ. Anh ta làm tài xế, bị giam bằng lái nên chuyển làm phụ hồ rồi quen mình. Đi làm cả ngày, đến tối mới gặp nhau nên mình đâu có thời giờ mà kiểm tra”, Thảo nói giọng buồn buồn. Anh thứ hai là công nhân. Anh thứ ba bán báo dạo. Những người đàn ông cứ lần lượt “ghé vào” chứ chẳng ai chịu ở lại.
Tháng ngày con gái của Thảo cứ trôi qua như vậy trong gánh nặng mưu sinh hằng ngày. Thỉnh thoảng sau giờ làm, Thảo xem lại những tấm thiệp được tặng, nhớ lại mà buồn.
Nhiều nữ công nhân khác do hoàn cảnh bạn trai cũng là công nhân, chưa có điều kiện làm đám cưới nên đành “góp gạo thổi cơm chung”. Nhiều cặp sống thử trong tình trạng các bạn nữ ít hiểu biết về sức khỏe sinh sản nên đã chịu nhiều thiệt thòi như sinh con ngoài ý muốn và tổn thương sau khi chia tay.
Tình trạng "âm thịnh dương suy" trong các khu công nghiệp khiến công nhân nữ khó tìm được "nửa kia". |
Chúng tôi đến khu nhà trọ tồi tàn khác nằm trên phường Sài Đồng (quận Long Biên, HN) tìm gặp Hải, quê ở Nghệ An. Trong căn phòng bé xíu rộng khoảng 5m2 nằm ở cuối dãy phòng trọ sâu hun hút, mới 23 tuổi mà nhìn Hải héo hắt như phụ nữ ngoài 30 với gò má tom hóp, 2 hố mắt trũng sâu đang ôm đứa con nhỏ gần 2 tuổi.
Hải kể, 4 năm trước, cô quen với Bách, người cùng quê, sau một thời gian tìm hiểu, hai người "góp gạo thổi cơm chung". Do không kế hoạch nên em có thai. Gặp người khác họ sẽ kêu người yêu phá bỏ nhưng Bách thì không. Bách bàn với Hải cố gắng sinh bé nuôi cho nó ăn học nên người để mai này còn cậy nhờ con. Nhưng do không lường trước những chi phí đột biến như em phải nghỉ thai sản mấy tháng mất thu nhập, khi sinh con ra sức khỏe em kém không đủ sức đi làm, rồi phải lo đường sữa, tã giấy…, nói chung là hàng trăm khoản phải chi tiêu nên gánh gồng được hơn 1 năm thì Bách… bỏ chạy".
Và nạo phá thai... vô tội vạ
Quen nhau chóng vánh qua chát chít trên mạng, rồi qua một vài lần nói chuyện, tình yêu nảy nở qua thế giới ảo, nhiều nữ công nhân sẵn sàng kiếp "vợ hờ" để tìm hi vọng có được một tấm chồng.
Tại KCN Thăng Long, Sài Đồng... dù những đôi sống thử giới thiệu họ là vợ chồng, nhưng chủ nhà lại cho biết, những đôi này không thể đưa giấy đăng kí kết hôn khi có yêu cầu.
Bà Hồng, chủ một nhà trọ tại Sài Đồng (Long Biên, HN), nhiều đôi tự nhận là vợ chồng, sống một thời gian, người "chồng" bỏ đi tìm "vợ" khác ngay trong cùng dãy trọ.
Nhiều công nhân nữ chấp nhận "góp gạo thổi cơm chung" với bạn trai quen qua thế giới ảo. (ảnh minh họa) |
Nguyễn Thu Hà, công nhân công ty may ở KCN Sài Đồng kể, trước đây Hà đã yêu một người làm cùng trong KCN, cũng qua chát chít trên mạng mà họ quen biết nhau, rồi biết cả 2 cùng làm trong một khu công nghiệp nên họ quyết định gặp nhau, từ lúc gặp đến lúc yêu rồi về sống chung với nhau "gói gọn" chưa đến một tháng. Sống với nhau như vợ chồng được mấy năm, khi đã "no xôi chán chè", người bạn trai ấy đi lấy vợ. Việc 2 người yêu nhau và sống với nhau như vợ chồng thì ai cũng biết, cho nên dù mấy năm trôi qua, nhưng đến giờ dù bạn Hà đã 36 tuổi mà vẫn chưa có người nào đến tìm hiểu. Điều khiến bạn Hà đau đớn nhất là trong những năm chung sống cùng bạn trai cô đã phải đi nạo phá thai đến 3 lần.
Không chỉ sống thử, nhiều nữ công nhân qua giai đoạn sống thử không có kết thúc bằng đám cưới thì lại tìm đến người chồng hờ khác để tiếp tục cuộc hôn nhân mà hai người tự nguyện, rồi lại tiếp tục kết thúc một cách chóng vánh…
Câu chuyện của T làm ở KCN Tân Quang (Hưng Yên) khiến người nghe vừa thấy thương vừa thấy giận cho sự nhẹ dạ của T. 26 tuổi, trải qua 5 cuộc tình nhưng chưa cuộc tình nào kéo dài được quá 1 năm, cả 5 chàng trai, T đều yêu bằng cả tâm hồn và thể xác. Có lẽ cũng vì điều này mà khi chia tay mối tình thứ 5, chàng người yêu đã "quất" vào mặt T một câu xanh rờn: “Ở cái khu công nghiệp bạt ngàn là nữ này, tôi kiếm đâu cũng có bạn tình. Chiến tích thay người yêu như thay áo của cô tôi biết lâu rồi, chỉ muốn thử cảm giác với 1 người từng trải như cô, chứ lấy về làm vợ thì có các vàng tôi cũng không dám nghĩ đến”. Và kết thúc cuộc tình là anh ta đã tìm đến 1 cô khác ngay cùng xóm trọ với T để chung sống, bỏ mặc T tự đi "giải quyết" cái thai đã hơn 4 tháng tuổi.
Theo tìm hiểu của PV tại các KCN, ngày càng đông nữ công nhân sống độc thân, có con ngoài giá thú, tỉ lệ nạo phá thai gia tăng. Người lao động được ví như cỗ máy làm việc với cường độ cao, thời gian làm thêm giờ nhiều, nên khi về phòng trọ, mệt mỏi, chỉ tranh thủ ngủ. Đặc biệt, trong các KCN có nhiều lao động nữ, vấn đề hôn nhân và gia đình trở nên bức xúc nhưng chưa được quan tâm thỏa đáng.