Những diễn biến mới nhất của "Thương ngày nắng về" xoay quanh bi kịch của nhân vật Vân Khánh do Lan Phương đảm nhận đã chạm đến lòng trắc ẩn của khán giả. Diễn xuất ấn tượng, chân thực của nữ diễn viên khiến cho người xem càng thêm đồng cảm với Vân Khánh. Ở những tập phim gần đây có nhiều nội dung về hoàn cảnh của nhân vật Khánh, xoay quanh những mâu thuẫn với bà Hiền - mẹ chồng (nghệ sĩ Lan Hương) - và Thương - chị chồng (Thu Hà). Cuộc sống của Khánh bị đảo lộn khi bà Hiền và con gái chuyển đến sống cùng, thường xuyên soi mói, gây khó dễ. Cô còn đối mặt với gánh nặng tài chính khi chồng - Đức (Hồng Đăng) - đầu tư tiền mã hóa, bị lừa hơn 200 triệu đồng.
Khánh sống trong mệt mỏi và có ý định ly hôn. Thấy vậy, Thương giả vờ xin lỗi vì là một trong những nguyên nhân khiến vợ chồng em dâu mâu thuẫn. Thương nói đã tìm được việc làm và sẽ dọn ra ở riêng, mời Khánh đi ăn trưa lần cuối. Khánh sau đó bị chị chồng bỏ thuốc mê, đưa vào nhà nghỉ rồi báo gia đình tới bắt tại trận. Cô hoảng loạn tinh thần, bị mẹ chồng chỉ trích, Đức không tin tưởng. Cô phải gọi điện cho em gái để cầu cứu.
Trên các diễn đàn, nhiều khán giả nói Khánh là nhân vật đáng thương. Cô có cuộc hôn nhân không thực sự hoàn hảo khi chồng trẻ con, mẹ và chị chồng quá quắt. Khánh mang bầu trước khi kết hôn nên thường xuyên bị bà Hiền quát tháo, xúc phạm. Cô nhiều lần bị vu oan, phải gánh khoản nợ của chồng và chị chồng. Khánh thường lựa chọn nhẫn nhịn để giữ hạnh phúc gia đình và tìm kiếm sự giúp đỡ từ mẹ đẻ, em gái.
Khi bi kịch nối tiếp bi kịch, diễn viên Lan Phương đã chính thức lên tiếng. Chia sẻ trên Vietnamnet, cô cho biết: "Khi đóng những cảnh khổ sở và nhiều nước mắt như vậy cơ thể mình cũng mệt mỏi và u uất. Thậm chí có những ngày về nhà mình cảm thấy rất mệt mỏi và buồn, mấy ngày sau vẫn cảm thấy buồn và trạng thái cũng không được vui vẻ cho lắm. Những thời gian đó cũng không nhiều vì trong một ngày, người diễn viên không chỉ diễn cảnh buồn không mà xong cảnh buồn thì cảnh sau lại diễn vui hoặc những trạng thái cảm xúc khác.
Cho nên Phương luôn phải có cách để mình thay đổi trạng thái cảm xúc nhanh mới có thể hoàn thành tốt cảnh tiếp theo. Nếu 1 ngày mà khóc từ sáng đến tối thì khi về nhà Phương rất mệt và kiệt sức, u uất theo. Cách Phương vượt qua là khi về nhà lại trở thành người mẹ thật sự của Lina. Phương chơi với con, nói chuyện với con với tư cách người mẹ lúc ấy Phương không bị cảm xúc nặng nề kia ám ảnh nữa".
Khán giả thương Khánh nhưng cũng trách biên kịch "Thương ngày nắng về" đã quá tàn nhẫn khi dồn quá nhiều bi kịch vào nhân vật đó. Còn với Lan Phương, nhờ biên kịch xuống tay cho nhiều bi kịch cô mới có cơ hội để khai thác nhân vật và khai thác đến tận cùng cảm xúc của nhân vật Khánh cũng như có cơ hội được diễn nhiều trạng thái cảm xúc. Nhờ vậy khán giả mới ấn tượng hơn và thương Khánh nhiều hơn.
"Dù sao Phương cũng phải cảm ơn biên kịch vì đã cho Phương cơ hội đó để được diễn một cách tốt hơn và Khánh cũng trở nên đầy đặn, đau đớn, sâu sắc hơn và nhiều cung bậc cảm xúc hơn. Khi có bi kịch người ta sẽ cố gắng quẫy cựa để mỗi ngày trở nên mạnh mẽ thoát khỏi vũng lầy đó. Đó cũng là quá trình để Khánh có cơ hội mạnh mẽ hơn và Phương có cơ hội thể hiện, được diễn nhân vật Khánh với nhiều trạng thái cảm xúc hơn" - Lan Phương chia sẻ.
Phim xoay quanh cuộc sống của bà Nga (nghệ sĩ Thanh Quý) và ba con: Vân Khánh, Vân Trang (Huyền Lizzie), Vân Vân (Ngọc Huyền). Phần đầu chủ yếu khắc họa tình mẫu tử thông qua những tình tiết, mâu thuẫn ở mức chừng mực. Thời lượng được phân đều cho các tuyến nhân vật. Tuy nhiên, 10 tập mới nhất, nội dung xoáy sâu vào cuộc sống mẹ chồng - nàng dâu của Khánh với nhiều tình tiết thái quá. Nhân vật bà Nga, Vân Vân dường như "biến mất" khiến nhiều người cảm thấy ức chế khi xem phim./.