Mỹ nhân 1 đời chồng vẫn được vua sủng ái: Được phong làm Thái hậu ngay khi hoàng đế vẫn còn sống

( PHUNUTODAY ) - Lịch sử ghi nhận mỹ nhân 1 đời chồng vẫn được vua vô cùng sủng ái, dùng mưu cao đưa con lên nối ngôi thành hoàng đế trứ danh.

Ở thời phong kiến, trinh tiết của người phụ nữ rất được coi trọng. Tuy vậy, lịch sử ghi nhận mỹ nhân 1 đời chồng vẫn được vua vô cùng sủng ái, dùng mưu cao đưa con lên nối ngôi thành hoàng đế trứ danh. Thậm chí, mỹ nhân này còn được phong làm Thái hậu ngay khi hoàng đế vẫn còn sống.

Mỹ nhân nghe theo sắp xếp của cha mẹ, phụ bạc chồng con để nhập cung

Theo quy định của luật lệ thời kỳ phong kiến Trung Quốc, những người con gái vẫn giữ được "cái ngàn vàng" mới đủ tiêu chuẩn nhập cung, hầu hạ hoàng đế và các phi tần. Nếu may mắn được hoàng đế sủng ái, họ sẽ có cơ hội đổi đời, một bước hóa thành phượng hoàng. Tuy nhiên, trong lịch sử Trung Quốc từng tồn tại ngoại lệ, đó là một mỹ nhân dù đã có chồng con vẫn được chọn làm hoàng hậu.

Hiếu Cảnh Vương hoàng hậu (178 – 126 TCN)

Hiếu Cảnh Vương hoàng hậu (178 – 126 TCN)

Hiếu Cảnh Vương hoàng hậu (178 – 126 TCN) thường gọi Hiếu Cảnh Thái hậu, là Hoàng hậu thứ hai của Hán Cảnh Đế Lưu Khải. Bà là sinh mẫu của Hán Vũ Đế Lưu Triệt trứ danh trong lịch sử Trung Quốc chính là trường hợp ngoại lệ này.

Sử ký tác ẩn của Tư Mã Trinh ghi Hiếu Cảnh Vương hoàng hậu có khuê danh Vương Chí. Sách Hán Vũ cố sự cho biết bà được gọi là Xu Nhi, sách Tính thị thư biện chứng cho biết bà có húy là Chí, biểu tự A Du. Mỹ nhân này là người Hữu Phù Phong, thôn Hòe Lý (nay ở Hàm Dương, Thiểm Tây). Cha là Vương Trọng, mẹ bà là Tạng Nhi, cháu của Yên vương Tạng Đồ thời Hán Sở. Cha mẹ bà có với nhau 3 người con, sau đó cha mất, mẹ tái giá với họ Điền ở Trường Lăng và sinh ra 2 người con trai khá.

Vương Chí sau đó được gả cho Kim Vương Tôn ở gần nhà và sinh ra một người con gái là Kim Tục. Kim Vương Tôn chỉ là một người có gia cảnh bình thường, còn gia tộc của Vương Chí có xuất thân quyền quý tuy gia thế sa sút nhưng mẹ của bà vẫn muốn con gái được gả vào hào môn.

Một ngày, mẹ của Vương Chí mời 1 thầy bói tới xem vận hạn cho gia đình. Vị thầy bói này nói rằng Vương thị có số mệnh phú quý, mẹ của bà liền gọi con gái về, yêu cầu ly hôn với Kim Vương Tôn. Nhà họ Kim phản đối không chịu làm thủ tục. Tạng Nhi bèn giữ con gái ở nhà, âm thầm giấu cuộc hôn nhân này và cho con nhập cung hầu hạ Hoàng thái tử Lưu Khải. Vương Chí sau đó được phong làm mỹ nhân. Bà nổi tiếng xinh đẹp, sắc nước nghiêng trời, chỉ cần liếc qua trong nháy mắt, cũng đủ làm cả đời xao xuyến. Với nhan sắc và tài nghệ của mình, mỹ nhân này đã được Lưu Khải sủng hạnh bậc nhất.

Năm Hán Văn Đế Hậu Nguyên năm thứ 7 (157 TCN), Hán Văn Đế băng hà. Năm sau (156 TCN), Lưu Khải kế vị, tức là Hán Cảnh Đế, lập thái tử phi Bạc thị làm hoàng hậu. Vương thị sinh 3 công chúa nên được phong làm phu nhân. Sau đó, bà hạ sinh ra hoàng tử thứ 11, chính là Lưu Triệt, là con trai duy nhất của bà.

Đưa con nối ngôi, lên chức Hoàng Thái hậu

Lưu Triệt sau khi chào đời luôn nhận được sự ưu ái của Hán Cảnh Đế hơn hẳn các hoàng tử khác. Năm Hán Cảnh Đế Tiền nguyên thứ 4 (153 TCN), Hán Cảnh Đế lập hoàng trưởng tử Lưu Vinh, con trai Lịch Cơ làm hoàng thái tử. Cùng năm đó, Hán Cảnh Đế phong Lưu Triệt mới 4 tuổi là Giao Đông vương. Theo quy định của nhà Hán, mẫu thân của các chư hầu vương chỉ được phong là thái hậu sau khi hoàng đế băng hà, nhưng Vương phu nhân lại được hoàng đế phá lệ, được phong làm Giao Đông vương Thái hậu.

my-nhan-1-doi-chong-van-duoc-vua-sung-ai-999

Việc Giao Đông vương Thái hậu giúp con trai Lưu Triệt lên kế vị được lưu truyền rộng rãi nhất thông qua câu chuyện nổi tiếng trong Hán Vũ cố sự. Khi đó, chị cùng mẹ của Hán Cảnh Đế, Quán Đào công chúa Lưu Phiếu, muốn gả con gái là Trần thị cho hoàng thái tử Lưu Vinh, nhưng Lịch Cơ từ chối một cách thô bạo. Điều đó khiến công chúa nổi giận, nên công chúa quay sang nghị hôn với Giao Đông vương Thái hậu. Khi ấy Vương thị muốn tìm chỗ dựa nên nhận lời thông gia với công chúa. Hiển nhiên, công chúa ủng hộ con rể tương lai thay ngôi thái tử, để con gái được làm thái tử phi, sau này là hoàng hậu Đại Hán.

Quán Đào công chúa thường khen ngợi Lưu Triệt trước mặt Cảnh Đế, khiến Cảnh Đế càng thêm thương yêu Lưu Triệt. Lịch Cơ được sủng ái, lại có con làm Thái tử nên tỏ ra ngạo mạn. Quán Đào công chúa nhân cơ hội gièm pha: "Lịch Cơ cùng các quý phu nhân, sủng cơ khác tụ tập. Sau lưng thường sai cung nữ dùng tà thuật nguyền rủa", Cảnh Đế nghe vậy không vui nhưng niệm tình phu thê nên tha cho Lịch Cơ.

Sau đó, công chúa cùng Giao Đông vương Thái hậu xúi giục đại thần dâng tấu sớ lên Hán Cảnh Đế đề nghị lập Lịch cơ làm hoàng hậu. Quan đại thần Đại Hành nghe theo, kiến nghị điều này lên Cảnh Đế. Cảnh Đế đang không vừa lòng Lịch Cơ, cho rằng Đại Hành bị Lịch cơ xúi giục nên tức giận sai xử tử. Đồng thời, Cảnh Đế xuống chiếu phế truất Thái tử Lưu Vinh, giáng làm Lâm Giang vương. Lịch Cơ phẫn uất qua đời. Tháng 4, ngày Ất Tỵ, Vương thị được sách lập Kế hậu. Ngày Đinh Tỵ, Lưu Triệt với thân phận đích tử, được Cảnh Đế phong làm Thái tử. Năm 141 TCN, tháng giêng, Hán Cảnh Đế băng hà, Lưu Triệt lên lên ngôi, tức Hán Vũ Đế. Vương hoàng hậu được tôn làm Hoàng thái hậu.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link