Cơm là món ăn không thể thiếu trên bàn ăn của người Việt. Việc nấu cơm vốn dĩ rất đơn giản, đặc biệt là khi bạn dùng nồi cơm điện. Bạn chỉ cần vo gạo, cho vào nồi rồi thêm nước và ấn nút nấu là xong. Tuy nhiên, đầu bếp cho rằng chỉ nấu với nước lã thông thường thì cơm không thể ngon xuất sắc được. Bạn cần thêm một số nguyên liệu khác để cơm trắng thơm, hạt căng bóng.
Để có một nồi cơm ngon, bạn hãy làm theo những cách dưới đây:
Vo gạo
Bước đầu tiên khi nấu cơm đó chính là vo gạo. Nhiều bà nội trợ sợ gạo bẩn nên vo rất kỹ, 3-4 lần. Lúc vo gạo cũng chà rất mạnh tay. Vo gạo tới khi nước trong mới thôi. Tuy nhiên, đây là một sai lầm nghiêm trọng. Vo gạo quá mạnh và quá nhiều lần sẽ làm trôi hết các chất dinh dưỡng bám trên bề mặt của hạt gạo.
Bạn chỉ cần vo gạo khoảng 1-2 lần và vo thật nhẹ tay là được.
Ngâm gạo
Một trong những bí quyết để hạt gạo dẻo và căng hơn chính là ngâm gạo. Ngâm gạo giúp hạt gạo hút đủ nước và nở đều hơn khi nấu.
Sau khi vo gạo, bạn ngâm gạo trong nước từ 5-10 phút. Lưu ý, không nên ngâm quá lâu vì như vậy hạt gạo sẽ bị trương và nát khi nấu chín.
Nấu cơm bằng nước sôi
Nhiều chị em cho rằng nấu bằng nước lạnh sẽ giúp hạt gạo chín từ từ như vậy cơm sẽ ngon hơn. Nấu bằng nước sôi cơm sẽ bị chín ép, không ngon. Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy.
Khi nấu bằng nước sôi, lớp màng bên ngoài hạt gạo sẽ nhanh chóng co lại, giữ được lượng vitamin B1 quý giá trong hạt gạo, vừa đảm bảo chất lượng vừa giúp cơm ngon hơn.
Thêm dầu ăn và giấm
Sau khi ngâm gạo, bạn nên cho vài giọt dầu ăn và vài giọt giấm vào nồi. Thêm dầu ăn sẽ giúp hạt gạo căng bóng. Trong khi đó, thêm giấm trắng sẽ giúp cơm thơm mềm, trắng hơn và cũng lâu thiu hơn.
Lưu ý, để cơm giữ được vị thơm ngon, bạn nên sử dụng những loại dầu ăn không có mùi.
Giấm ăn cũng sẽ không khiến cơm có mùi lạ bởi bạn chỉ cho một lượng nhỏ và giấm sẽ bay hơi trong quá trình nấu. Bạn chỉ cần cho 2ml giấm cho 1,5kg gạo là được.
Thêm muối vào cơm
Để cơm lâu thiu, bạn có thể cho một chút muối vào nồi khi nấu.
Ngoài ra, khi hấp lại cơm nguội, thêm một ít nước muối cũng sẽ giúp cơm mềm và đậm vị, loại bỏ mùi khác lạ.
Không mở vung nồi ngay khi cơm chín
Khi cơm chín, bạn đừng vội mở vung nồi. Hãy để cơm trong nồi khoảng 5 phút ở chế độ giữ ấm. Như vậy, cơm sẽ chín đều hơn, mềm dẻo, không bị dính hay nát.
Cách bảo quản cơm lâu thiu
Cơm sau khi nấu chín và ăn không hết thì nên để nơi thoáng mát cho nguội hẳn. Sau khi cơm nguội thì cho vào hộp đậy nắp kín và đặt trong ngăn mát tủ lạnh.
Lưu ý, để cơm không nhanh hỏng, bạn cần phải dùng thìa/muôi riêng để xới cơm, không để cơm dính các loại thức ăn ăn khác.
Cách hấp cơm ngon
Hấp cùng cơm nóng
Nếu lượng cơm nguội không quá nhiều, bạn có thể cho vào hấp cùng cơm nóng. Khi nồi cơm mới cạn, bạn hãy khoét một chút cơm mới ra vừa bằng chỗ cơm nguội. Cho một chút nước nóng và đổ cơm nguội vào. Lấy cơm mới vun lấp lại. Bật lại nấc nấu. Khi nồi cơm chuyển sang chế độ giữ ấm là được.
Hấp cơm bằng nồi cơm điện
Bạn hãy cho nước vào nồi. Cơm nguội để trong to hoặc vỉ hấp rồi bỏ vào nồi. Ấn nút nấu để hấp cơm.
Bạn cũng có thể cho cơm trực tiếp vào nồi cơm điện để hấp lại. Cơm nguội để tủ lạnh thì cần vo nhẹ để cơm tơi ra, không bị vón cục rồi đổ vào nồi và nhấn nút nấu hoặc nút hâm nóng (tùy từng nồi), không cần phải cho thêm nước.
Hấp cơm bằng lò vi sóng
Cho cơm nguội vào bát sứ hoặc bát thủy tinh. Dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại (hoặc dùng đĩa đậy lên trên bát cơm). Cho vào nồi vi sóng để làm nóng. Như vậy cơm sẽ nóng sốt trở lại và không bị khô.